Cẩn thận với du lịch mạo hiểm

Vũ Đức Phong 12/03/2017 09:15

Vụ tai nạn làm khách du lịch người Ba Lan và hướng dẫn viên người Việt thiệt mạng tại thác Hang Cọp (Đà Lạt) cuối tháng 2 vừa qua cho thấy việc quản lý du lịch mạo hiểm của chúng ta đang có vấn đề. Làm du lịch mạo hiểm hấp dẫn, mới mẻ để giữ chân du khách đã khó, nhưng quản lý du lịch mạo hiểm an toàn lại chính là bài toán sống còn.

Ảnh minh họa.

Nỗ lực thu hút khách du lịch

Quan sát những diễn biến của ngành du lịch trong mấy tháng đầu năm 2017 người ta thấy rõ những tín hiệu lạc quan. Theo đó số lượt khách quốc tế đến VN liên tục tăng trưởng mạnh.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung hai tháng đầu năm, đã có 2.206.659 lượt khách quốc tế đến VN, tăng 33,0% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, sau khi vào tháng 1/2017, lần đầu tiên lượng khách quốc tế đến VN vượt qua mốc 1 triệu lượt trong 1 tháng (đạt 1.007.238 lượt, tăng 12,3% so với tháng 12/2016 và tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2016), thì đây là lần thứ 2 liên tiếp trong năm 2017, lượng khách quốc tế đến VN lại tiếp tục tăng trưởng mạnh đạt gần 1,2 triệu lượt.

Các chuyên gia cho rằng, đây rõ ràng là những tín hiệu rất tích cực. Tiếp đó, cần phải thấy một nỗ lực khác, khi tuần qua, Bộ VH-TT&DL chính thức mời ông Jordan Vogt-Roberts - đạo diễn phim bom tấn “Kong: Skull Island” (tên tiếng Việt: “Kong: Đảo đầu lâu) làm đại sứ du lịch VN nhiệm kỳ 2017-2020.

Theo ông Ngô Hoài Chung - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Khi chúng tôi liên hệ về việc làm đại sứ du lịch VN, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã rất vui mừng và hoàn toàn nhất trí”. Ông Chung cũng không giấu giếm: “Đây là một cơ hội rất tốt cho chúng ta quảng bá về du lịch VN cho khán giả cũng như du khách trên toàn thế giới”.

Quả vậy, với siêu phẩm Hollywood “Kong: Skull Island” đang rầm rộ ra rạp tại VN, và trước đó phim đã chiếu tại nhiều nơi trên thế giới, đây là cơ hội quyệt vời để quảng bá cho du lịch VN.

Bởi bộ phim đã được quay tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình và Quảng Bình và những hình ảnh xuất hiện trên phim rất huyền ảo, lung linh. Những thước phim tuyệt đẹp về cảnh sắc VN đã xuất hiện trên phim. Đó là chưa kể, trong thời gian qua, ê-kíp làm phim liên tục xuất hiện trên truyền thông quốc tế để ca ngợi về phong cảnh, khí hậu, ẩm thực và con người VN.

Song song với đó, các tỉnh, thành cũng có nhiều hoạt động thúc đẩy và thu hút du khách như Năm Quốc gia du lịch Tây Bắc, Hà Nội phê duyệt 2 phim quảng bá du lịch kênh CNN…

Đó là những nỗ lực không thể phủ nhận của các bộ ngành, nhằm chung tay thu hút du khách đến VN.

Gáo nước lạnh

Một trong những lĩnh vực mà nhiều du khách quốc tế đến VN thích thú đó là du lịch mạo hiểm. Việt Nam với 3/4 địa hình là đồi núi, các hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhiều hang động đẹp, nhiều khu rừng nguyên sinh nhiệt đới cũng như các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia rộng lớn, hơn 3.000km bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại hình Du lịch mạo hiểm.

Nhiều công ty du lịch ở Việt Nam cũng đã khai thác các loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá như lướt ván, lặn biển, nhảy dù, leo núi, đi xe đạp, mô tô... để phục vụ du khách quốc tế.

Ngoài hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), nhiều tuyến đường cũng khá thu hút du khách như đỉnh Fansipan (Sa Pa - Lào Cai), khu vực đỉnh Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang), dãy núi Lang Biang (Đà Lạt), Đồng Văn (Hà Giang), bãi biển Nha Trang, Đà Nẵng...

Tuy nhiên, vụ tai nạn làm khách du lịch người Ba Lan và hướng dẫn viên người Việt thiệt mạng tại thác Hang Cọp (Đà Lạt) cuối tháng 2 vừa rồi tiếp tục cho thấy việc quản lý du lịch mạo hiểm tại Việt Nam đang có vấn đề.

Còn nhớ, đúng 1 năm trước, tháng 2/2016, 3 du khách nước ngoài cũng đã tử nạn ở thác Datanla (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Sự việc đau lòng này đã khiến nhiều bộ, ngành phải vào cuộc. Và sau đó, người ta cũng đã thấy có những quy định để “siết” chặt lĩnh vực du lịch mạo hiểm.

Tổng cục Du lịch cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị quản lý, kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm về dự thảo quy chế “Tổ chức, quản lý và khai thác hoạt động kinh doanh du lịch mạo hiểm”. Đáng buồn là sau đúng 1 năm khi quy chế vẫn còn nằm trên… giấy thì đến 23/2/2017 lại xảy ra một vụ tai nạn đáng tiếc tại thác Hang Cọp, TP Đà Lạt.

Ngay sau vụ việc này, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT&DL lại tiếp tục ra văn bản siết chặt quản lý. Tuy nhiên, chuyện này khiến dư luận cảm thấy băn khoăn, hồ nghi về công tác quản lý, phối hợp quản lý lĩnh vực du lịch mạo hiểm. Bởi chỉ khi xảy ra sự cố, mới thấy các ban, ngành vào cuộc, thì đã muộn. Và vụ tai nạn của du khách như vừa xảy ra, giống như những gáo nước lạnh dội vào những nỗ lực quảng bá du lịch mà chúng ta “ra quân” có vẻ rầm rộ.

Nói như ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Những hoạt động du lịch mạo hiểm trái phép đã dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm như tại Lâm Đồng và Lào Cai thời gian qua cho thấy du lịch mạo hiểm nếu không quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tai nạn thương tâm.

Điều này không chỉ tổn hại đến tính mạng, tài sản khách du lịch mà còn làm tổn hại hình ảnh du lịch VN”. Để khắc phục, theo ông Tuấn, “trước mắt, các địa phương tăng cường chấn chỉnh loại hình kinh doanh du lịch mạo hiểm trên địa bàn.

Nếu địa phương không vào cuộc thì cơ quan quản lý Trung ương không thể làm thay được. Về phía Trung ương, Tổng cục Du lịch đã soạn thảo Thông tư quản lý du lịch mạo hiểm trình Bộ VHTT&DL ban hành. Thông tư đã hoàn thiện và ban hành trong quý II/2017”.

Việc làm du lịch theo kiểu ăn xổi, được chăng hay chớ, thiếu chuyên nghiệp sẽ làm mất đi nhiều cơ hội làm ăn khi chúng ta đã hội nhập, và đang nỗ lực làm mới hình ảnh VN thông qua những điểm du lịch hấp dẫn. Chính bởi vậy, ngành du lịch cần có những chế tài đồng bộ để các đơn vị, công ty khai thác du lịch thực hiện, vận hành. Chỉ có sự quản lý chặt chẽ thì du lịch Việt Nam nói chung, du lịch mạo hiểm phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn thận với du lịch mạo hiểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO