Hiện nay, vấn nạn thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả khá phổ biến và rất khó kiểm soát. Chỉ vì lợi nhuận mà không ít người kinh doanh vô lương tâm đã làm ra những loại thực phẩm bẩn, đầu độc sức khỏe con người. Cuộc chiến với thực phẩm bẩn diễn ra rất quyết liệt nhưng trên thực tế kết quả thu được vẫn không như mong muốn.
Gạo giả còn được bổ sung polime để tăng độ cứng cho giống gạo thật.
Giới chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia thực phẩm đã dày công nghiên cứu, đưa ra những kết luận giúp người tiêu dùng cũng như cơ quan chức năng biết đâu là thực phẩm giả. Những khuyến cáo liên tục được đưa ra nhưng thực tế vẫn diễn biến phức tạp. Sau đây là một số loại thực phẩm dễ bị làm giả nhất.
Trước hết, đó là cà phê bột. Cà phê là đồ uống được ưa chuộng trên phạm vi toàn cầu, vì thế chúng cũng được làm giả nhiều nhất. Bằng mắt thường hầu như không thể nhận biết đâu là cà phê thật hay cà phê giả. Bột cà phê “nhái” thường pha lẫn những tạp chất như lúa mạch, lúa mì, ngô và đậu nành xay mịn.
Sở dĩ người ta dùng bột của những loại hạt kể trên do giá thành của chúng thấp, màu sắc lại không khác mấy so với cà phê khi rang rồi xay ra, trộng với bột cà phê thật. Uống loại cà phê này dẫu không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng người tiêu dùng đã mất tiền oan khi chỉ được uống loại thức uống chỉ có từ 30-40% là cà phê thật.
Bạch tuộc giả.
Các bà nội trợ cũng ít biết rằng một số loại dầu ăn thường dùng trong gia đình cũng bị làm giả. Nhiều nhất là loại dầu olive. Đây là loại dầu ăn được cho là có lợi cho sức khỏe, bán chạy vì thế đã bị người kinh doanh vô lương tâm làm giả. Một chai dầu olive giả có thể chỉ chứa toàn dầu ngô, dầu dừa hay dầu đậu nành rẻ tiền. Để phân biệt thật giả, chỉ cần đổ một ít ra bát, để trong tủ lạnh qua đêm. Dầu olive thật sẽ tạo một lớp lắng dưới đáy, còn dầu giả thì không.
Ngay như đến gạo là thực phẩm thông thường nhất trong bữa ăn của nhiều gia đình thì cũng lại bị làm giả. Nó trở thành thực phẩm vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Gạo giả được làm từ hỗn hợp tinh bột trộn với... nhựa. Kinh nghiệm cho thấy, để phân biệt gạo thật- gạo giả thì khi mua gạo về hãy thả một ít vào nước. Gạo giả không chìm xuống mà nổi lềnh bềnh. Khi đốt lên, chúng có mùi khét của nhựa.
Mật ong cũng hay bị làm giả. Nếu như gạo ra được làm khá tỉ mỉ thì mật ong giả dễ làm hơn rất nhiều. Nhiểu khi, một chai mật ong chỉ là một chai nước đường. Mật ong thật không cần phải bảo quản trong tủ lạnh, trong khi mật ong giả để ngoài tự nhiên một thời gian là phân hủy.
Mực khô giả.
Gần đây, người ta còn kinh ngạc khi phát hiện cả trứng gà giả. Nhìn bề ngoài, trứng giả rất giống trứng thật với phần vỏ được làm từ canxi cacbonat, lòng đỏ và lòng trắng trứng làm từ hóa chất tạo màu, muối alginate, phèn, gelatin, vôi. Tuy nhiên, nhìn bên ngoài, trứng giả có màu hơi sáng hơn trứng thật, khi lắc không thấy phát ra tiếng động cũng không có cảm giác rung nhẹ bên trong quả, gõ không thấy âm thanh giòn, khi đập phần lòng trắng và lòng đỏ sẽ tự tan vào nhau.
Thời gian gần đây, rượu giả đã gây nên nỗi kinh hoàng khi mà số người chết do ngộ độc tăng cao. Dù đã có rất nhiều khuyến cáo không nên uống rượu nhưng trên thực tế đây vẫn là đồ uống được tiêu thụ rất mạnh. Rượu giả pha nhiều methanol, giá bán rất rẻ. Đáng lo ngại là người mua không thể tự phân biệt được đâu là rượu methanol, đâu là rượu không chứa methanol.
Uống xong một hai chén đầu, thần kinh bị kích thích lại càng mất khả năng phân biệt mùi vị. Uống từ chén thứ 3 trở đi là đã bước vào giới hạn nguy hiểm, từ đó dẫn đến ngộ độc chỉ là gang tấc. Không ít cái chết đau đớn từ rượu giả là lời cảnh báo rất nghiêm khắc nhưng những tai nạn từ rượu giả vẫn tái diễn.
Thịt cừu giả có lớp mỡ rất dễ tách.
Những ngày tết, mút thường bị làm giả. Chúng “ra lò” từ những cơ sở chế biến rất mất vệ sinh, từ nguồn nguyên liệu hỏng, sau khi cho đường vào bỗng trở nên bắt mắt, ngon lành. Nhưng loại mứt này chứa nhiều độc tố, ảnh hưởng đến dạ dày và đường ruột của người dùng.
Còn có thể kể thêm nhiều loại thực phẩm giả, thực phẩm bẩn nguy hại khác. Ví dụ thịt bò khô, ruốc, thịt trâu gác bếp… chúng dễ dàng bị làm giả bằng công nghệ tẩm màu, tẩm ướp gia vị cho các chất nhựa tổng hợp hoặc các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh.
Ít ai biết rằng, món bò khô đắt tiền có thể được làm từ thịt ngựa chết hoặc lợn sề vì giá thành rất rẻ. Khi ăn, rất có khả năng dẫn đến ngộ độc, lâu dài có thể mắc các bệnh nguy hiểm, không loại trừ cả bệnh ung thư.
Khi đi mua ruốc (chà bông), nhiều người rất ngạc nhiên vì sao 1 kg thịt lợn đắt thế mà 1 kg ruốc lại khá rẻ. Là vì chúng được làm từ bã sắn dây. Ăn bã sắn dây sẽ cản trở hấp thu dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa gây ngộ độc. Trẻ em khi ăn phải chất này sẽ giảm hấp thu canxi, kẽm... dẫn tới suy dinh dưỡng.
Thịt lợn được ướp tẩm hóa chất để biến thành thịt bò.
Người ta nói rằng, khi cho ruốc giả vào nước, chúng sẽ mềm nhũn rất nhanh, chuyển dần từ màu vàng ươm về trắng bợt giống bã sắn dây. Ruốc giả sợi to, tròn hơn và không bông, tơi xốp như ruốc thật. Đặc biệt, sợi ruốc sắn dây càng nhai càng thấy dai.
Tại nhiều quốc gia, cơ quan chức năng còn bắt được những cơ sở “biến hóa” thịt chuột, thịt chồn thành thịt cừu: sau khi giết mổ thịt chồn, chuột, người ta trộn chúng với phẩm màu đỏ, chất tạo hương vị, dùng gelatin để tạo ra lớp mỡ trông giống thịt cừu. Với cách này, người ta có thể sản xuất hàng loạt loại thịt khác nữa như thịt vịt, thịt lợn... biến thịt lợn trở thành thịt bò.
Thật kinh khủng khi biết rằng, một số kẻ vô lương tâm còn làm cả mực khô giả từ cao su. Khi ngâm mực giả vào nước thì lớp phấn trắng bên trên trôi tuột ra, thân con mực giả dính nhớp nhớp. Bạch tuộc cũng chung số phận với mực khô, khi chúng bị làm giả. Bạch tuộc giả cũng được làm từ cao su và được tẩm một loại hóa chất mạnh.
Trong khi thị trường không minh bạch, thực phẩm giả tràn lan, trà trộn với thực phẩm thật, cách tốt nhất với người tiêu dùng là hãy mua thực phẩm nơi rõ ràng nguồn gốc, những chỗ quen biết; tránh không mua, sử dụng thực phẩm một cách đại khái, qua đường.