Can thiệp sớm khuyết tật: Thay đổi nhận thức từ cộng đồng

Lan Ngọc (thực hiện) 20/12/2016 10:10

Đối với các nạn nhân chất độc hóa học/người khuyết tật nói chung, quá trình phục hồi chức năng (PHCN) sẽ diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả tốt hơn nếu được phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, đặc biệt là ngay từ giai đoạn thai nhi và sau sinh (trước 6 tuổi). Tuy nhiên, cho đến nay, việc phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ em vẫn đang là một thách thức với ngành y tế và cả xã hội.

PV Đại Đoàn Kết đã có buổi phỏng vấn về nội dung này với PGS TS, Bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc nhân dân Trần Trọng Hải- nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Phục hồi chức năng của trường ĐH Y tế công cộng.

Can thiệp sớm khuyết tật: Thay đổi nhận thức từ cộng đồng

BS Trần Trọng Hải.

PV:Thưa ông, ở độ tuổi nào được coi là phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật?

BS Trần Trọng Hải: Ở giai đoạn thai nhi hoặc lúc mới sinh, thường chỉ phát hiện những dị dạng về hình thể. Đối với trẻ khuyết tật nói chung và con cháu nạn nhân da cam nói riêng, những khuyết tật về tim, phổi, cơ quan nội tạng… có thể đến 5-6 tuổi mới phát hiện. Vì vậy, theo tôi phát hiện sớm can thiệp sớm được tiến hành trước 6 tuổi là hợp lý.

Dự án “Tổ chức PHCN tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” do ông và các cộng sự tại trường ĐH Y tế công cộng thực hiện đã giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của các nạn nhân chất độc hoá học/dioxin và con cháu của họ. Xin ông cho biết các hoạt động của dự án nhằm tăng cường phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật là gì?

- Đối với 6 tỉnh triển khai Dự án, đặc biệt là 3 tỉnh mới là Lào Cai, Quảng Nam, Bến Tre, chúng tôi tập trung vào phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật, tất nhiên với người lớn và kể cả không phải nạn nhân chất độc da cam chúng tôi vẫn phục hồi.

Để làm được cái đó chúng tôi xây dựng tài liệu, mở lớp tập huấn cho bác sĩ sản nhi, nữ hộ sinh và cộng tác viên tại trạm y tế xã, sau đó phổ biến đến các gia đình.

Không ai bằng người thân, nhất là các bà mẹ hàng ngày gần gũi, chăm sóc con mình. Cộng tác viên tại xã đào tạo, hướng dẫn cho bà mẹ phát hiện các dị tật, bệnh…

Việc làm này bền vững và không tốn tiền. Cũng giống như phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là phải lấy gia đình làm gốc. Cộng tác viên, cán bộ y tế có trách nhiệm chuyển giao kiến thức cho ông bố, bà mẹ, có ghi chép, giám sát thường xuyên và hỗ trợ khi cần thiết.

Qua quá trình thực hiện dự án, ông có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm cho các chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm cho người khuyết tật nói chung và cho nạn nhân/con cháu nạn nhân da cam nói riêng?

- Ngoài các hội viên chính thức từ tuyến tỉnh, huyện đến trung ương của Hội PHCN Việt Nam, hiện nay chúng tôi xây dựng được mạng lưới cộng tác viên rộng khắp với 12.000 chuyên trách về PHCN dựa vào cộng đồng ở 12.000 xã trên cả nước.

Họ được đào tạo 3 tháng về chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm, được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học và khi tập cho các bệnh nhân khuyết tật, họ được bảo hiểm y tế thanh toán.

Tôi đã đấu tranh được hơn 400 thủ thuật, kỹ thuật của PHCN được bảo hiểm y tế thanh toán. Hiện mới chỉ có chuyên trách ở gần 100 xã ở 6 tỉnh triển khai ở dự án được hưởng điều này, tôi kỳ vọng trong 15 năm nữa điều này sẽ được thực hiện trên cả nước.

Đây sẽ là chiến dịch dài hơi giúp cho các chuyên trách sống được bằng bàn tay, khối óc của mình, có thể giúp cho nhiều nạn nhân/người khuyết tật.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay một số gia đình không muốn thừa nhận con/em/cháu… của mình bị khuyết tật khi ở mức độ nhẹ, đặc biệt với đối tượng là nạn nhân da cam vì việc tiếp xúc với hóa chất độc trong chiến tranh có thể gây hậu quả lâu dài, xuyên thế hệ.

Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò chung tay của cả cộng đồng trong việc PHCN cho nạn nhân/người khuyết tật. Đây là một quá trình bền bỉ, lâu dài đòi hỏi không chỉ gia đình, ngành y tế mà toàn xã hội.

Đặc biệt, yếu tố dựa vào cộng đồng là rất quan trọng. Với trẻ khuyết tật, theo tôi dù thế nào cũng phải được đi học, được chơi, không thể tách biệt các em với thế giới bên ngoài mà mong PHCN thành công.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Can thiệp sớm khuyết tật: Thay đổi nhận thức từ cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO