Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở nước ta những năm qua có những phát triển mới, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là nhận xét của ông Đỗ Ngọc An, Phó Ban Kinh tế Trung ương.
Chiều 16/11, đã diễn ra Phiên Hội thảo chuyên đề 7 với chủ đề “Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021 do ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ngành tổ chức. Phiên hội thảo do ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải đồng chủ trì.
Hội thảo tập trung phân tích, chia sẻ chuyên sâu xoay quanh những vấn đề về thúc đẩy phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hạ tầng cho phát triển bền vững – kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam; Ứng dụng công nghệ số nâng cao năng lực phục hồi sau đại dịch trong dài hạn; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật số phục vụ quá trình CNH, HĐH đất nước cũng như những vấn đề liên quan tới đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho các hạ tầng số; Dẫn đầu chuyển đổi số ưu việt.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Ngọc An cho rằng: Nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng lớn và đa dạng. Ngoài nguồn lực của Nhà nước, đã và đang mở rộng sự tham gia của toàn xã hội. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng rộng kết nối đến từng gia đình, từng cá nhân, hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số đang được thúc đẩy phát triển, đầu tư trước để đi cùng nhịp với các nước trên thế giới về ứng dụng công nghệ mới.
Tuy nhiên, ông An cũng thẳng thắn đánh giá: Hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn không ít những tồn tại thể hiện ở một số điểm như: hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển Internet vạn vật, thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh…; việc tiếp cận dịch vụ băng rộng ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế; hạ tầng vật lý chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các phương thức quản lý thông minh; hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia còn chậm được triển khai; cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia tạo nền tảng cho kinh tế số còn phân tán, thiếu, chưa được chuẩn hóa và đồng bộ; hạ tầng thanh toán số chưa đồng bộ, chưa tận dụng được các hạ tầng chung, độ phủ chưa lớn; hạ tầng điện phục vụ cho hạ tầng viễn thông còn có những điểm chưa đáp ứng được yêu cầu. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức ...
Sau hội thảo, các nội dung ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các chuyên gia và các nhà khoa học sẽ được tập hợp và báo cáo với Thủ tướng và các Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước tại phiên toàn thể; đồng thời sẽ được Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.