Cần tỉnh táo trong mùa dịch

Tinh Anh 15/06/2021 15:00

Theo GS.TS Cao Tiến Đức (nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103), bất cứ một sang chấn nghiêm trọng nào tác động đến tâm lý cũng khiến người ta dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, stress... Ông khẳng định, Covid-19 là một yếu tố sang chấn nghiêm trọng đối với nhiều người.

Đó là lý do vì sao từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, số bệnh nhân tâm thần tăng cao không chỉ trên thế giới, mà ngay cả ở Việt Nam. Nhiều người vô cớ rơi vào trạng thái lo âu, bồn chồn không rõ lý do. Số khác cảm thấy cô đơn, tự kỷ, trầm cảm, thậm chí chán sống. Tất cả những trường hợp trên đều do một thủ phạm gây ra, đó là đại dịch Covid-19.

Người khỏe mạnh còn cảm thấy phát “điên” khi phải cách ly tập trung, “bó chân” ở nhà do giãn cách xã hội, nói gì đến những người vốn đã có tiền sử tâm thần, tự kỷ. Đối với một số người thường ngày hay đi đây đó giao lưu, vui vẻ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp thì họ không thể chịu nổi cảnh bó buộc bởi các biện pháp phòng dịch.

Tôi biết một chị năm nay đã gần 60 tuổi. Thường ngày, hầu như không lúc nào chị “bén chân” ở nhà, thường xuyên ra ngoài đi làm đẹp, “tán” chuyện với mấy bà bạn, nếu không thì đến nhà con cháu chơi. Ấy vậy mà từ khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, chị đành ngồi nhà không dám ra ngoài vì sợ lây bệnh, nhưng tâm tính thay đổi hẳn.

Nếu như trước khi có Covid-19, chị tươi cười, ân cần với mọi người bao nhiêu, thì từ khi ngồi nhà tránh dịch, chị ít nói hẳn, thái độ luôn cau có, cáu gắt. Cũng may, chồng và mấy đứa con, cháu của chị cũng hiểu nên không “châm dầu vào lửa”, nếu không có lẽ chị sẽ phát “điên”.

Trường hợp tâm lý của chị bạn tôi tưởng như không logic với tính cách, nhưng chiếu theo cách lý giải của GS.TS Cao Tiến Đức thì lại hoàn toàn hợp lý. Nghiên cứu của ông Đức chỉ ra rằng, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, các đối tượng bị cách ly, người phục vụ, người sống trong khu vực phong tỏa... có phản ứng tâm lý rất mạnh, dễ nổi quạu.

Đặc biệt, người già, phụ nữ, trẻ em, người có trình độ học vấn thấp thường là những đối tượng dễ bị tác động tâm lý nhất, do đó dễ mắc các rối loạn về tâm thần. Vì thế, nếu các kênh truyền thông chính thống, cũng như các kênh mạng xã hội nếu đưa thông tin không chính xác, thiếu kiểm chứng, hoặc liều lượng không hợp lý sẽ vô cùng tai hại.

Đơn cử, việc loan tin những người đã tiêm vaccine vẫn bị mắc Covid-19 như thường khiến không ít người lo âu.

Đó là còn chưa kể trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh, cơ quan hữu trách buộc phải đưa ra những biện pháp mạnh để tránh việc bùng phát đại dịch trong cộng đồng. Từ đó theo lẽ thường sẽ có một số người thiếu việc làm dẫn đến lo âu, phiền muộn.

Thử hỏi, người nông dân hai sương một nắng, đầu tắt mặt tối quanh năm, đến mùa thu hoạch cây trái thì phải ngồi nhà giãn cách xã hội, không thể thu hoạch, cũng không thể tiêu thụ, làm sao gỡ lại vốn, lấy gì trang trải cuộc sống vốn đã khó khăn? Với một số người phải vay vốn ngân hàng coi như mất trắng, thì cũng thật khó bình tâm.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, trong bối cảnh “sống chung” với đại dịch Covid-19, việc cảm thấy lo âu, căng thẳng là bình thường. Từ đó WHO khuyến cáo cần có những giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần của bản thân, tránh rơi vào trạng thái cực đoan, dẫn đến đưa ra những quyết định và hành động thiếu sáng suốt.

Chẳng hạn, nếu thấy buồn chán, vô vọng vì mắc bệnh, vì kinh tế sa sút... đừng để trong lòng mà hãy tâm sự, chia sẻ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là các chuyên gia tâm lý để giải tỏa áp lực. Khi có người lắng nghe, đưa ra những lời khuyên hữu ích, mỗi người sẽ có thể tự cân bằng trạng thái, không bị suy sụp tinh thần.

Hay như đối với những người cao tuổi phải đi cách ly sẽ cảm thấy rất cô đơn, người thân trong gia đình cần thường xuyên gọi điện thăm hỏi, động viên để củng cố tinh thần, cho họ có cảm giác an toàn, tránh việc nghĩ quẩn. Với những người mắc Covid-19 cũng vậy, gia đình, bạn bè cần thường xuyên kết nối để họ không có cảm giác bị kỳ thị, sợ hãi.

WHO cho rằng, ngay cả các nhân viên y tế, cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng cần phải phòng ngừa việc bị rối loạn tâm thần, căng thẳng, mệt mỏi.

Để giảm thiểu sự căng thẳng, mệt mỏi cho các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, gia đình, bạn bè, người thân và toàn xã hội ngoài việc không được tỏ thái độ kỳ thị, “tránh như tránh tà”, còn cần phải hết sức giúp đỡ, xây dựng một hậu phương vững chắc cho các anh, các chị yên tâm “chiến đấu” với “giặc dịch”. Có vậy mới có thể giành chiến thắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần tỉnh táo trong mùa dịch