Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn theo Viện Sức khỏe tâm thần 30% dân số đang mắc các bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần. Đáng lo ngại là nhiều người bỏ qua những triệu chứng ban đầu, đến khi phát hiện ra bệnh thì đã quá muộn.
Tư vấn cho học sinh bị stress do áp lực học tập. Ảnh: Báo Vinhphuc.
Những dấu hiệu không thể bỏ qua
Tại Viện Sức khoẻ tâm thần trung bình mỗi ngày có 50 bệnh nhân đến khám và điều trị về trầm cảm. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000-40.000 người. Nghiên cứu mới nhất tại Viện Sức khoẻ tâm thần, ở những bệnh nhân từ 45 tuổi bị trầm cảm, có 36,5% bệnh nhân có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
Về con số thống kê của Bộ Y tế cũng như Viện Sức khỏe tâm thần, theo GS.TS Cao Tiến Đức, khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, thì số liệu này chưa thực đầy đủ bởi trên thực tế, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, chỉ có 20% số người mắc bệnh đi khám. Và một điều đặc biệt lo ngại là nhiều người cho rằng mình chỉ bị mỏi mệt cơ thể, sa sút trí tuệ do tuổi tác chứ không phải mắc bệnh liên quan tới tâm thần.
Theo các bác sĩ, dấu hiệu nhận biết của bệnh này bắt đầu từ sự trầm cảm, người bệnh có cảm giác buồn chán, trống rỗng, khó tập trung suy nghĩ, hay quên, luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì, cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều, hay cáu gắt, giận dữ, giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày, giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều, nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…Đây là những triệu chứng mà người bệnh thường bỏ qua hoặc tự điều trị. Ngoài ra, nhiều người chọn cách giấu bệnh, không đi khám chữa vì sợ người khác nghĩ mình bị tâm thần, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống..., dẫn tới tỷ lệ đi khám các bệnh tâm thần rất thấp.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân của bệnh theo các bác sĩ chủ yếu là do áp lực cuộc sống, công việc khiến nhiều người bị căng thẳng thần kinh (stress). Khi con người phải chịu quá nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống cộng thêm không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn nên dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu, ám ảnh.
Cũng có nhiều bệnh nhân bị trầm cảm do tiền sử gia đình có người bị trầm cảm, lạm dụng rượu và các chất ma túy, thay đổi công việc, thất nghiệp, hoặc có các bệnh cơ thể mạn tính, bị lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục…Thường phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới 2 lần.
Bệnh tâm thần hay các vấn đề về tâm thần rất phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay, tuy nhiên khi biết bản thân mắc bệnh, nhiều bệnh nhân và cả người nhà không muốn chấp nhận điều đó, họ thường tự chữa trị qua các thầy lang, thầy cúng. Việc điều trị không đúng phương pháp, không đến nơi đến chốn không những không chữa được bệnh mà còn làm cho bệnh nặng thêm.
Theo GS. BS Cao Tiến Đức, các yếu tố gây stress, nếu kéo dài, sẽ gây đến tình trạng trầm cảm, chiếm đến 35% trong các trường hợp bị rối loạn tâm thần. Các vấn đề trầm cảm rõ nhất là người bệnh mất hết hứng thú, không có khả năng tập trung, ảnh hưởng rõ ràng nhất đến công việc.
Ngoài ra, người bệnh cũng có những biểu hiện suy yếu về mặt sức khỏe, cơ thể, ví dụ như rối loạn về giấc ngủ, rối loạn về ăn uống, thậm chí có những vấn đề về sinh hoạt vợ chồng, bạn bè, gần như ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống. Stress còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” khi gây hàng loạt tác động xấu lên cơ thể như huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường và thậm chí là ung thư.
Để phòng bệnh, GS Cao Tiến Đức đưa ra lời khuyên mỗi người phải học cách phân bổ thời gian hợp lý cho mối quan hệ gia đình, bạn bè, công việc và những điều khác. Dành thời gian để có hoạt động thư giãn, không phải giải trí. Quan tâm tới cơ thể nhiều hơn, sức khỏe và tâm trí của mình và nên đến bệnh viện kiểm tra nếu tự mình phát hiện ra những dấu hiệu bất thường.