Giáo dục

Cẩn trọng chọn lọc ngữ liệu môn Ngữ văn

Hàn Minh 25/01/2024 07:51

Nhiều đề thi môn Ngữ văn bị dư luận phản ứng vì chọn những ngữ liệu không phù hợp, đặt ra vấn đề về việc cần thiết phải xây dựng ngân hàng dữ liệu chuẩn.

anhbaitren(2).jpg
Tiết Ngữ văn của cô và trò Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Lâm An.

Lúng túng chọn ngữ liệu

Vừa qua, đề thi học kỳ I lớp 8 của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp được cho là chưa phù hợp trong việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (SGK). Cụ thể, ở phần đọc - hiểu, đề thi chọn truyện cười “Sao chưa mời tôi ăn” trong tuyển tập Tiếng cười dân gian Việt Nam do Trương Chính - Phong Châu sưu tầm và biên soạn. Đây là một truyện cười nhằm phê phán thói hư tật xấu của con người. Theo các chuyên gia, ý nghĩa chuyển tải từ truyện thì ổn nhưng cách thể hiện lại dễ gây ra hiểu lầm cho người đọc. Ngay cả khi người đọc hiểu đúng thì bối cảnh xảy ra câu chuyện là đi vệ sinh và rình người khác đi vệ sinh cũng được nhiều người cho là chưa tế nhị, không nên xuất hiện trong một đề thi học kỳ I.

Sau khi có phản ánh của dư luận, UBND huyện Thanh Bình đã chỉ đạo Phòng GDĐT rà soát lại bộ đề kiểm tra. Kết quả cho thấy việc dùng ngữ liệu cho đề Ngữ văn lớp 8 nêu trên là không phù hợp trong môi trường giáo dục. Giáo viên ra đề cũng đã nhìn nhận lại khuyết điểm của mình.

Trước đó, đề thi môn Ngữ văn cuối kỳ I lớp 8 ở TPHCM cũng thu hút sự chú ý từ dư luận khi ngữ liệu câu chuyện nói về một thầy đồ... ăn tham. Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GDĐT TPHCM sau đó đã thừa nhận, hành trình đổi mới một vài đơn vị còn lúng túng, trong đó có việc chọn ngữ liệu môn Ngữ văn thi học kỳ chưa thật phù hợp.

“Đối với môn Ngữ văn, các bài kiểm tra cần đánh giá các năng lực cốt lõi của môn học bao gồm: Năng lực đọc hiểu, năng lực viết, năng lực nói và nghe, năng lực tạo lập văn bản, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo... Các tranh luận về một vài đề kiểm tra Ngữ văn học kì 1 vừa qua chủ yếu liên quan đến việc lựa chọn ngữ liệu: Độ dài, ngắn; nội dung có phù hợp thời gian làm bài, có phù hợp tâm lí lứa tuổi học sinh hay không; nguồn trích dẫn có cụ thể, rõ ràng, đáng tin cậy hay không. Tới đây, Sở GDĐT sẽ tiếp tục tập huấn để thầy cô tổ trưởng chuyên môn các đơn vị trong việc thực hành ra đề kiểm tra nhằm đáp ứng các yêu cầu môn học” - ông Minh cho biết.

Xây dựng ngân hàng ngữ liệu

Tại công văn về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn đã nêu rõ, trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu xây dựng các để kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Như vậy, tinh thần của kiểm tra đánh giá theo năng lực là không sử dụng lại văn bản đã dạy cho học sinh để ra đề kiểm tra.

Điều này đặt ra yêu cầu cho giáo viên phải chủ động tìm kiếm, chọn lọc những ngữ liệu phải đáp ứng yêu cầu hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh theo quy định của Bộ GDĐT. Đồng thời, ngữ liệu được chọn cũng phải mang tính chất giáo dục cao, phù hợp năng lực nhận thức, tâm sinh lý của học sinh ở từng cấp học, sử dụng vốn từ văn hóa, có ý nghĩa trong sáng, tích cực. Đây là một yêu cầu không dễ.

Theo cô giáo Lê Ánh Tuyết (Trường THCS Trần Phú, Phủ Lý, Hà Nam), chương trình mới, SGK mới đã “cởi trói” cho giáo viên trong giảng dạy, rèn luyện học sinh. Nhất là đối với môn Ngữ văn, giáo viên được tự mình lựa chọn ngữ liệu để đưa vào đề kiểm tra, đánh giá – khác với trước đây chỉ bó hẹp trong một số văn bản quen thuộc khiến học trò có thể học tủ, đoán tủ rồi học thuộc mà không thực sự thành thục các kỹ năng. Với cách kiểm tra, đánh giá mới, giáo viên được thoát ly SGK để bám theo chuẩn đầu ra của chương trình. Dẫu vậy, giữa rất nhiều nguồn tham khảo từ sách báo, tạp chí, các tác phẩm văn học kinh điển đến những tác phẩm mới ra mắt của các nhà văn, nhà thơ,… giáo viên quyết định chọn tác phẩm nào đưa vào đề kiểm tra, đánh giá là một quyết định khó. Ngữ liệu phải phù hợp với năng lực đọc hiểu của từng đối tượng học sinh. Nếu là học sinh lớp đại trà, văn bản được chọn không được quá khó với nhiều tầng ý nghĩa gây rối cho học sinh. Ngược lại, với đề thi chọn học sinh giỏi, cấp độ yêu cầu phải nâng cao hơn mới phân hóa được thí sinh…

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông Ngữ văn 2018, đồng thời là tác giả viết SGK cho rằng cần thiết phải xây dựng ngân hàng ngữ liệu mới, là kho ngữ liệu về các loại văn bản, các thể loại văn học hay, tiêu biểu, phù hợp... để người ra đề tham khảo, lựa chọn đưa vào đề văn cho mỗi kì thi.

“Trong môn học Ngữ văn, với cách kiểm tra, đánh giá mới, ngữ liệu văn bản đóng một vai trò hết sức quan trọng, góp phần quyết định cho chất lượng đề thi. Ngân hàng ấy bảo đảm đầy đủ tất cả các loại văn bản (văn học, nghị luận, thông tin), tất cả các thể loại văn học quy định trong Chương trình Ngữ văn 2018. Yêu cầu này hết sức khẩn thiết, nhất là với các kì thi lớn, nếu muốn có những đề thi hay, chất lượng” - ông Thống nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng chọn lọc ngữ liệu môn Ngữ văn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO