Cơ quan chức năng gần đây liên tục phát hiện các đối tượng buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Điều đó cho thấy, dù đã tuyên truyền, cảnh báo nhưng nhiều đối tượng vì lợi nhuận kinh tế vẫn tiếp tục tuồn thực phẩm kém chất lượng vào thị trường. Cần xử nghiêm các đối tượng này để giữ sức khỏe cho người dân.
Thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc, lực lượng chức năng đã bắt được nhiều vụ cất giấu, buôn lậu, vận chuyển nội tạng, phụ phẩm động vật nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc, lai lịch...
Cụ thể, sáng ngày 29/5, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thông tin tới báo chí, Đội QLTT số 6 (Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn) vừa phối hợp Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 2 thuộc Phòng CSGT - Công an tỉnh Lạng Sơn và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Lạng Sơn, kiểm tra xe ô tô tải thùng kín, biển kiểm soát 29H-521.20 do ông Chu Văn Đô (địa chỉ thường trú ở thôn Tam Lung, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) điều khiển.
Trên xe, lực lượng chức năng phát hiện có 4 tấn chân gà không có căn cứ xác định nguồn gốc, nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, được bảo quản đông lạnh, đã biến đổi màu sắc sang thâm đen, có hiện tượng chảy nước. Lô hàng này có trị giá ước tính 180 triệu đồng. Do chủ xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp nên Ðội QLTT số 6 đã tạm giữ phương tiện và toàn bộ hàng hóa để xác minh, xử lý.
Trước đó, đại diện Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) thông tin, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh) vừa chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan số 1 và Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra ôtô tải BKS 14C-358.95 đang dừng đỗ ở lề đường tại TP Móng Cái vào hồi 23 giờ ngày 5/5.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1.870kg xúc xích không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được đóng trong các bao tải dứa màu xanh, tập kết trên thùng xe đang trong tình trạng chảy nước, có dấu hiệu hư hỏng.
Liên quan tới vụ phát hiện gần 25 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng phát hiện tối 3/6 tại TP Móng Cái (Quảng Ninh), Tổng cục QLTT thông tin, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh) vừa chuyển giao vụ việc cho Cơ quan CSĐT Công an TP Móng Cái (Quảng Ninh) tiếp tục điều tra, xử lý. Đây là một vụ việc được Đội QLTT số 4 phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế và chức vụ - Công an TP Móng Cái phát hiện tối 3/6, sau khi tiến hành kiểm tra một container và đầu kéo do ông Trần Trung Thế (trú quán ở tỉnh Quảng Ninh) điều khiển.
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện trong thùng container có 2.220 hộp carton chứa 24.420kg chân gà đông lạnh. Trên mỗi hộp carton có nhãn gốc bằng chữ nước ngoài nhưng không thể hiện thông tin nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Mặc dù trên sản phẩm có mã vạch nhưng lại không thể truy xuất được thông tin về sản phẩm. Lái xe không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ của lô hàng. Bước đầu làm việc với các đối tượng liên quan, lực lượng chức năng xác định chủ lô hàng là ông Nguyễn Thành Long (sinh năm 1980, trú quán ở tỉnh Hải Dương).
Ông Long cho biết, toàn bộ số hàng hóa được thu mua trôi nổi trên thị trường của người không quen biết để bán kiếm lời (chưa tiêu thụ được thì lượng chức năng đã kiểm tra và tạm giữ).
“Xét vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự, Đội QLTT số 4 đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ và tang vật của vụ việc này cho Cơ quan CSĐT Công an TP Móng Cái để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định”, đại diện Tổng cục QLTT thông tin.
Thực tế trên cho thấy “thực phẩm bẩn” vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường, thủ đoạn tinh vi hòng đối phó với cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng liên ngành. Do đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thì nhiều ý kiến cho rằng, cần xử lý nghiêm các vụ việc đã phát hiện.
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trong quý I/2024, cả nước có 16 vụ với 659 người bị ngộ độc thực phẩm (tăng gần 3 lần về số người so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong. Nghiêm trọng nhất là hai vụ xảy ra tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) vào đầu tháng 4/2024 khiến nhiều người nhập viện.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với báo chí, luật sư Trương Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Luật An toàn thực phẩm (ATTP) số 55/2010/QH12, ngày 17/6/2010 và các Nghị định, Chỉ thị của Nhà nước trong quản lý ATTP được ban hành thời gian qua là cơ sở, hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Gần đây nhất là Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.
Theo luật sư Tuấn, về trách nhiệm pháp lý, đối với tội vi phạm quy định về vệ sinh ATTP thì mức phạt cao nhất là 20 năm tù. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thời gian qua, các vụ xử lý đối tượng buôn bán, vận chuyển “thực phẩm bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ còn nhẹ.
“Rõ ràng, chất lượng thực phẩm không đảm bảo thường chưa gây hậu quả chết người ngay, nhưng hóa chất, tạp chất bẩn sẽ ngấm từ từ và gây hậu quả về sau, sức khỏe bị ảnh hưởng dần theo năm tháng. Do đó, việc nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh pháp luật để áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp, gián tiếp tham gia chuỗi hành vi nói trên là thực sự cần thiết”, luật sư Trương Anh Tuấn nhấn mạnh.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, tránh các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 44 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Các địa phương được giao chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.