Mỹ và Iran vẫn đang bị "khóa" trong thế đối đầu nguy hiểm, thường xuyên xuất hiện các vụ việc làm tăng căng thẳng, rất dễ bị đẩy vào một cuộc xung đột toàn lực. Sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA, thỏa thuận hạt nhân Iran), Iran bị áp đặt những đòn trừng phạt hủy diệt nền kinh tế của họ. Nhưng thay vì chịu trận, Iran lựa chọn phản công.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Nguồn: FoxNews).
Diễn biến căng thẳng
Tehran đã trả đũa bằng nhiều động thái khiêu khích - phá hoại một vài con tàu chở dầu, bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ và công khai vi phạm một số điều khoản về mức độ làm giàu uranium, lượng uranium làm giàu được phép dự trữ trong thỏa thuận hạt nhân. Rất nhiều người ở Washington muốn Mỹ tung đòn tấn công quân sự nhằm vào Iran bởi họ tin rằng Iran sẽ thua trong cuộc chiến này và phải đầu hàng.
Tuy nhiên, hành động quân sự được giới phân tích cho là có thể "phản tác dụng", bởi nó sẽ biến chương trình hạt nhân Iran thành hợp pháp, và cộng đồng quốc tế sẽ coi vũ khí hạt nhân của Iran là cần thiết để nước này tự vệ trước nước Mỹ thù địch.
Iran từng nêu rất rõ ràng rằng họ sẽ khởi động lại hoạt động làm giàu uranium trừ khi các đồng minh châu Âu của Mỹ - các bên vẫn duy trì JCPOA - chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ và tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran. Các động thái mới đây của Iran thực chất là nỗ lực tuyệt vọng nhằm giành được một số lợi ích về kinh tế mà thỏa thuận hạt nhân đem lại, đổi lấy việc họ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận này.
Tính đến nay, các nỗ lực của châu Âu vẫn không đủ để giảm thiểu khủng hoảng kinh tế Iran. Việc Iran mới đây bắt giữ tàu chở dầu của Anh - đáp trả việc Anh bắt giữ tàu chở dầu của họ - dường như càng khiến cho châu Âu không sẵn lòng giúp đỡ Iran để rồi phải chịu rủi ro hứng đòn trừng phạt của Mỹ.
Quân bài của Iran
Lịch sử phát triển hạt nhân của Iran cho thấy rằng, chính quyền nước này coi vũ khí hạt nhân như một chính sách bảo đảm, một con bài ngã giá trong đàm phán hơn là một công cụ để tấn công. Chương trình hạt nhân Iran bắt đầu được khởi động từ thời Mohammad Reza Shah, và lò phản ứng đầu tiên của nước này do chính Mỹ cung cấp vào năm 1967. Đến năm 1979, nhờ sự hỗ trợ của Pháp, Nam Phi cùng nhiều nước khác, chính quyền Shah đã phát triển được nền tảng công nghệ hạt nhân vững chắc.
Sau cuộc cách mạng Hồi giáo Iran, dưới thời của lãnh đạo tối cao Ayatollah Khomeini, ông đã ra lệnh ngừng chương trình hạt nhân vì cho rằng nó đi ngược lại giáo lý đạo Hồi và cho thấy tầm ảnh hưởng độc hại từ phương Tây. Phải đến khi cuộc chiến Iraq - Iran diễn ra, trong đó vũ khí hóa học của Iraq hủy diệt lực lượng và nhiều thành phố của Iran, chính quyền Tehran mới quyết tâm khởi động lại chương trình hạt nhân.
Nhưng dù chương trình hạt nhân Iran có phát triển mạnh mẽ, Tehran vẫn thể hiện sự sẵn lòng loại bỏ nó để đối lấy việc bình thường hóa quan hệ với phương Tây. Năm 2003, Iran đạt được một thỏa thuận với EU, trong đó Tehran sẽ minh bạch toàn diện về chương trình hạt nhân của họ, ngừng làm giàu và xử lý uranium. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush đã bác bỏ thỏa thuận này, và sau đó bác luôn một thỏa thuận tương tự vào năm 2005. Đến năm 2015, một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng được các bên ký kết, trong đó Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy các lợi ích kinh tế và cải thiện quan hệ với phương Tây.
Trong mỗi lần mà các nỗ lực ngoại giao thất bại, Iran luôn đẩy nhanh phát triển hạt nhân với hy vọng sử dụng khả năng hạt nhân của họ như quân bài ngã giá trong bàn đàm phán. Điều này tương tự như cách mà Mỹ sử dụng các đòn cấm vận để gây sức ép với nền kinh tế Iran.
Năm ngoái, Iran vẫn duy trì cam kết với JCPOA dù Mỹ đã rút khỏi và áp lệnh trừng phạt nhằm vào họ, với hy vọng sẽ vượt qua giai đoạn sóng gió. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng đã khiến Chính phủ Iran không thể chờ đợi lâu hơn, thay vào đó cần phải khiến Washington để tâm hơn. Để làm điều đó, Iran áp dụng lại chiêu bài cũ, tái khởi động chương trình hạt nhân và đánh tín hiệu rằng họ sẵn sàng ngừng chương trình này nếu các đòn cấm vận được gỡ bỏ.
Chính sách ngoại giao của Mỹ
Chính sách ngoại giao mà Mỹ áp dụng đối với các nước hạt nhân như Iran suốt 2 thập niên qua, càng khiến cho Tehran thấy rằng họ cần theo đuổi tham vọng hạt nhân. Các nhà lãnh đạo từng từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy quan hệ tốt hơn với Mỹ - như Saddam Husein (Iraq) và Muammar Qaddafi (Libya) - sau này đều bị lật đổ bởi sức mạnh quân sự của Mỹ.
Iran - nước từng hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống chế độ Taliban - nhận ra rằng họ cũng bị Mỹ coi là một phần của "trục ma quỷ" và có khả năng sẽ bị xâm lược. Việc Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA bất chấp thực tế là Iran vẫn tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận này, cũng làm dấy lên sự hoài nghi ở Tehran về giá trị thực chất từ các vòng đàm phán với Mỹ.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ mới đây tới Triều Tiên càng khiến cho Iran nhận thấy sự tương phản trong cách mà Mỹ đối xử với một nước hạt nhân thực sự và với họ. Iran - nước đã đóng băng chương trình hạt nhân - nằm trên bờ vực chiến tranh với Mỹ, trong khi Triều Tiên - một quốc gia sở hữu khoảng 20-30 đầu đạn hạt nhân - lại được Mỹ đối xử tốt hơn. Bởi vậy, một đòn tấn công mà Mỹ thực hiện nhằm vào Iran sẽ khiến giới lãnh đạo và người dân nước này hiểu rõ rằng, cách duy nhất để đảm bảo sự tồn vong của Iran là chạy đua hạt nhân, sở hữu vũ khí nguyên tử.
Những người ủng hộ Mỹ hành động quân sự nhằm vào Iran đã sai lầm khi nghĩ rằng Iran sẽ đầu hàng khi bị tấn công. Cần nhớ rằng sự kiên cường của Iran là điều đã được chứng thực: Họ đã đánh bại cuộc xâm lược của Iraq trong cuộc chiến kéo dài 8 năm, trong đó đã có khoảng từ 300.000 đến 1 triệu người Iran thiệt mạng. Một cuộc chiến với nước Mỹ có thể mang lại lợi ích cho chính quyền Iran, củng cố sự đoàn kết trong giới lãnh đạo nước này để đánh bại một mối đe dọa từ bên ngoài.
Quan trọng hơn, dù có thực hiện không kích, Mỹ cũng khó có thể phá hủy được tất cả các cơ sở hạt nhân của Iran, chứ chưa tính đến việc chấm dứt vĩnh viễn chương trình hạt nhân của nước này. Và khi đòn tấn công xảy ra, điều đó có nghĩa rằng triển vọng đàm phán sẽ không còn, và Iran sẽ sử dụng mọi nguồn lực mà họ có để phát triển khả năng hạt nhân.
Tổng thống Trump từng tuyên bố rằng ông không muốn thay đổi chế độ ở Iran và thể hiện rằng chính sách của Mỹ chỉ nhằm đảm bảo Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Trump mới đây còn chỉ định nghị sĩ Rand Paul làm phái viên không chính thức có nhiệm vụ giảm thang căng thẳng với Tehran. Mỹ hoàn toàn có thể tạo nên viễn cảnh một Iran phi hạt nhân bằng cách gỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc Iran tiếp tục tuân thủ JCPOA, cùng lúc có các biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai nước để đi đến một giải pháp vĩnh cửu.
Iran từng nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng tuân thủ bất cứ lệnh giới hạn hạt nhân nào chiếu theo JCPOA, miễn là được phép bán dầu cho các đồng minh châu Âu của Mỹ. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được nếu Mỹ ngừng đe dọa đánh thuế các công ty châu Âu dám làm ăn với Iran.