Căng thẳng trường công

Thu Hương 11/07/2017 08:10

Tình trạng quá tải, thiếu trường học, đặc biệt là tại các khu vực tập trung nhiều chung cư, khu đô thị mới hoặc các khu công nghiệp lớn đã được đề cập nhiều năm qua nhưng đến nay, sau những nỗ lực cải thiện của TP Hà Nội dường như vẫn chưa thay đổi được bao nhiêu.

Trường Tiểu học Dịch Vọng A (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn là “điểm nóng” về tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội.

Khó như xin vào trường công

Từ ngày 1 đến 15/7 là thời gian tuyển sinh trực tiếp các trường công lập đối với lớp 1, lớp 6 và mầm non sau hình thức đăng ký xét tuyển trực tuyến đã được thực hiện từ giữa tháng 6.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều khu vực các gia đình đã nộp hồ sơ rồi nhưng đang “nhấp nhổm” chờ đợi thông tin liệu con mình có may mắn trúng một suất vào trường công lập đã đăng ký không.

Chị Trần Ngọc (phường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) cho biết, đây là năm thứ 4 chị nộp hồ sơ cho con vào Trường Mầm non Bình Minh.

Đây là trường điểm của khu vực nên tỷ lệ học sinh (HS) đăng ký năm nào cũng cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh.

Gia đình chị đã kiên trì nộp hồ sơ cho con 3 năm từ nhà trẻ, mẫu giáo... rồi hồi hộp chờ đợi đến vòng bốc thăm. Rồi lại... trượt. Nhiều người khuyên chị chỉ còn 1 năm mẫu giáo thì chuyển trường làm gì?

“Được biết chủ trương của thành phố là ưu tiên phổ cập trẻ mẫu giáo 5 tuổi nên tôi rất hy vọng lần nộp hồ sơ này sẽ không bị loại nữa. Dù chỉ được học 1 năm nhưng đây là năm quan trọng, là tiền đề trước khi trẻ vào lớp 1 nên tôi vẫn mong cháu được học ở đây để được đào tạo bài bản và cũng đỡ cho gia đình rất nhiều tiền học phí khi có 2 con cùng ở độ tuổi đi học”- chị Ngọc cho biết.

Cũng lần thứ 2 đi nộp hồ sơ cho con vào trường công lập, chị Trịnh Thùy Linh (P1408, nhà HH4C, khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai) cho biết, năm ngoái chị trượt vì hồ sơ mới là tạm trú.

Năm nay, gia đình đã chính thức có hộ khẩu thường trú, đinh ninh con sẽ được vào trường công lập đúng tuyến thì lại nhận được thông báo, trường không có chỉ tiêu tuyển mới cho những cháu sinh năm 2013.

Điệp khúc thiếu trường công

Ngoài những trường điểm có chất lượng đào tạo tốt với lượng HS có nguyện vọng được vào học, kể cả học trái tuyến cao gấp nhiều lần so với thực tế chỉ tiêu tuyển sinh thì những trường học trước đó chỉ là trường làng, trường bình thường nhưng khi lượng dân cư đổ về đông cũng trở nên “hot”, quá tải là điều đương nhiên.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Phạm Thị Thu Huyền cho biết, năm học 2017 - 2018, riêng khối mầm non của huyện tăng 6.632 trẻ, tiểu học tăng hơn 500 HS so với năm học trước.

Đặc biệt là tình trạng quá tải bậc tiểu học tại khu đô thị Tả Thanh Oai. Trường Tiểu học Tả Thanh Oai chỉ có 12 lớp 1, nhưng thống kê có tới 913 HS.

Như vậy, tính trung bình sẽ có hơn 80 HS/lớp. Ở cấp học mẫu giáo, theo điều tra số HS thuộc địa bàn tuyển sinh của trường mầm non Tả Thanh Oai A là 1.943 em nhưng chỉ tổng số chỉ tiêu tuyển mới là... 625 em, trong đó có 495 trẻ ở lớp mẫu giáo 5 tuổi.

Một số trường công lập khác cũng chỉ có thể tuyển được hơn 1 nửa HS thuộc địa bàn như mầm non Đại Áng, Quỳnh Đô, Vĩnh Quỳnh...

Tại quận Long Biên, dự kiến số HS vào lớp 6 tăng hơn 1.000 HS so với năm học trước. Bình quân trên lớp là 41 HS/lớp và chiếu theo chuẩn quy định, quận này sẽ thiếu 23 phòng học. Khối tiểu học có hơn 27.000 HS, tăng 995 HS, bình quân gần 43 HS/lớp, thiếu 5 phòng học...

Tại quận Hoàng Mai, khu vực phường Thịnh Liệt là điểm nóng tuyển sinh nhiều năm nay. Năm nay, mặc dù khối trường mầm non đã có 2 cơ sở nhưng số HS qua điều tra là 1.290 em trong khi thực tế chỉ đáp ứng được 266 em.

Trường THCS Thịnh Liệt có số HS qua điều tra 556 em trong khi trường chỉ có thể bố trí được 7 lớp cho 318 HS... Tương tự tại phường Hoàng Liệt, số HS mầm non qua điều tra là 926 cháu nhưng chỉ tiêu tuyển sinh mầm non là 317 HS.

Thống kê toàn quận Hoàng Mai, tổng số HS mầm non là trên 9.000 nhưng số chỉ tiêu trường công lập đáp ứng được chỉ gần 4 nghìn. 9 trường ngoài công lập theo thống kê của UBND quận Hoàng Mai cũng chỉ có thể “tải” thêm 676 HS.

Hơn 5.000 HS của quận này trong độ tuổi mẫu giáo sẽ học tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục... Nhưng chất lượng của những cơ sở này ra sao là một điều đáng quan tâm.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái thừa nhận, quận Hoàng Mai đã và đang hình thành nhiều tòa nhà chung cư cao tầng, dẫn tới dân số cơ học tăng nhanh.

Trong khi việc xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn không đồng bộ với việc xây dựng trường học, dẫn đến tình trạng quá tải trường, lớp, nhất là tại các phường: Hoàng Liệt, Đại Kim, Định Công...

Ai đảm bảo chất lượng trường tư?

Chị Thanh, một cư dân của bán đảo Linh Đàm cho biết hiện các cơ sở mầm non của ở quanh khu vực này nhiều không đếm xuể.

Khi đi xin học cho con 2 tuổi, chị được nghe rất nhiều quảng cáo, cam kết, khẳng định chất lượng nhà trường với cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đảm bảo...

Tuy nhiên, tìm hiểu qua báo chí, chị được biết nhiều cơ sở tự nhận là “trường mầm non” nhưng trên thực tế chưa và sẽ không đủ điều kiện cấp phép hoạt động như trường mầm non do không có khuôn viên vui chơi ngoài trời.

Đó là chưa kể, mức học phí của tất cả những trường này đều dao động từ 1,7-2 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều lần so với trường công lập. Tiền ăn dao động từ 35-42.000 đồng/ngày/HS.

Ngoài ra, các tiền học phẩm, tiền học năng khiếu... mỗi tháng cũng ngốn của phụ huynh trên 3 triệu đồng. Nếu gia đình nào có 2 con đi học trở lên, nhất là với những gia đình thu nhập trung bình ở thành phố thì chi phí cho con theo học thực sự là vấn đề đau đầu.

“Tiền học cao đã đành, quan trọng nhất là chất lượng không có ai kiểm chứng. Khi nhập học, cô hiệu trưởng cam kết chỉ 20 cháu với 3 cô nhưng trên thực tế, lớp con gái tôi đang học là 30 trẻ với 3 cô. Tuy có camera theo dõi nhưng ai đảm bảo có sự thật nào đằng sau chiếc camera hay không?”- chị Thanh băn khoăn.

Câu chuyện xây khu đô thị quên xây trường đã được báo chí phản ánh nhiều năm qua nhưng thực tế vẫn chưa có nhiều thay đổi. Việc các trường tư thục mọc lên đáp ứng nhu cầu đi học của HS trong độ tuổi đến trường là việc đương nhiên.

Nhưng chất lượng của những ngôi trường này ra sao thì không ai dám đảm bảo. Nhất là qua hàng loạt vụ việc được thông tin trên truyền thông vừa qua về những vụ bạo hành trẻ mầm non diễn ra ở một số cơ sở giáo dục ngoài công lập khiến cho phụ huynh gửi con đi học trong tâm trạng bất an, lo lắng là không tránh khỏi.

Ngay cả với những HS may mắn “trúng” một suất vào trường công lập, với sĩ số lớp luôn trong tình trạng cao ngất ngưởng, có thể vẫn đảm bảo quy định tuyển sinh của Bộ GD&ĐT nhưng chất lượng liệu có vì thế mà giảm sút?

Như lo ngại của một phụ huynh khi qua tìm hiểu về trường đang xin học cho con, trung bình 1 lớp 1 năm ngoái có tới 62 HS. Một cô giáo sẽ xoay xở ra sao với ngần ấy đứa trẻ?

Việc tuyển sinh trực tuyến ở Hà Nội đã tạo thuận lợi cho phụ huynh rất nhiều trong các năm qua. Nhưng câu chuyện về việc thiếu trường, thiếu lớp học đảm bảo sĩ số, cơ sở vất chất đúng như quy định của Bộ GD&ĐT đến nay vẫn còn là điều cần được các cấp chính quyền quan tâm giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng thẳng trường công