Giáo dục

Bài toán học phí đại học

Lâm An 03/04/2025 09:00

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề xuất một số định hướng sửa đổi Luật Giáo dục đại học (ĐH), trong đó có cách tính học phí. Theo đó, các trường ĐH được tự chủ về học phí dựa trên chất lượng đào tạo.

bai chinh
Thí sinh tìm hiểu thông tin về các trường đại học tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp 2025. Ảnh: H.Minh.

Học phí trường công được xác định theo % mức thu nhập bình quân đầu người do Chính phủ quy định. Luật Giá sẽ được điều chỉnh để đảm bảo thống nhất học phí giữa trường công và tư.

Lo tăng gánh nặng học phí

Hiện nay, việc thu học phí đang được các trường ĐH thực hiện theo quy định tại Nghị định số 81 và tùy theo mức độ tự chủ. Nếu trường tự chủ một phần hoặc tự chủ chi thường xuyên và tự chủ chi đầu tư thì không được thu học phí quá mức trần đã quy định trong Nghị định 81. Các trường đã đạt kiểm định quốc gia và quốc tế thì được phép thu theo định mức kinh tế kỹ thuật do nhà trường tính toán và quyết định. Ghi nhận học phí ĐH công lập đang ở mức dao động từ 10,6 - 250 triệu đồng/năm, phổ biến từ 20 - 40 triệu đồng.

Nếu theo đề xuất của Bộ GDĐT, với thu nhập bình quân đầu người năm 2024 là hơn 120 triệu đồng/năm thì học phí 1 năm có thể lên tới 60 triệu đồng. Đây là một con số quá lớn với nhiều gia đình. Chị Mai Thanh (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) có con đang học lớp 11 băn khoăn việc các trường đồng loạt áp dụng mức trần 50% thu nhập bình quân đầu người hay sẽ có sự phân loại học phí khác nhau dựa trên chất lượng đào tạo và ngành nghề đào tạo? “Thu nhập của người dân ở nông thôn sẽ khác với thành thị. Nếu tính mức trung bình thì sẽ khó cho rất nhiều người có thu nhập thấp, cuộc sống vốn đã chật vật lại thêm gánh nặng học phí thì khó để theo đuổi giấc mơ học ĐH dù con có khả năng” - chị Thanh nói.

Theo lý thuyết, doanh thu của các ĐH đến từ nhiều nguồn gồm ngân sách; học phí và lệ phí; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; nguồn khác như tài trợ từ doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà xuất bản, doanh nghiệp trực thuộc... Tuy nhiên, thực tế ghi nhận từ nhiều trường đã công khai cụ thể nguồn thu, học phí chiếm tới 70 - 90% nguồn thu của các trường. Thậm chí, có trường học phí chiếm tới 98% tổng thu của trường. Bài toán học phí tăng khi tự chủ ĐH những năm qua khiến người học không khỏi đắn đo khi đưa ra quyết định chọn trường ĐH nào. Điều này không sai nhưng nếu vì lý do học phí quá cao, giấc mơ giảng đường khép lại thì rõ ràng cần xem xét lại các chính sách hỗ trợ đã hợp lý, đúng và trúng hay chưa.

Từ phía các trường, mặc dù tự chủ ĐH những năm qua đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận nhưng trong quá trình thực hiện cũng ghi nhận không ít khó khăn, trong đó có nội dung liên quan đến học phí. PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhìn nhận, mức trần học phí đối với các trường ĐH công lập chưa tự chủ chi thường xuyên đang được quy định ở mức thấp, trong khi yêu cầu về chất lượng giáo dục giữa các trường ĐH là như nhau và ngày càng cao để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và hội nhập quốc tế. Về phía học viện, ngân sách nhà nước cấp đảm bảo một phần chi thường xuyên ngày càng giảm nên nhà trường gặp khó khăn trong cân đối, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và đặc biệt trong cải thiện chính sách thu hút nhân sự trình độ cao.

Để học phí không là rào cản

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam đánh giá, đề xuất của Bộ GDĐT trong bối cảnh hiện nay thể hiện sự linh hoạt trong việc điều chỉnh học phí theo tình hình kinh tế. Học phí phổ thông và mầm non công lập đã được miễn, còn học phí ĐH cần được điều chỉnh phù hợp với thực tế biến đổi của xã hội, đất nước. Nhưng để áp dụng, cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng cũng như đánh giá tác động trước khi ban hành các chính sách liên quan đến học phí ĐH vì đây là vấn đề ảnh hưởng đến toàn dân. Trong đó, quyền lợi của người học phải được đảm bảo là yếu tố tiên quyết. Nếu để đảm bảo mục tiêu tự chủ ĐH mà học phí tăng cao, quá khả năng chi trả của người dân thì sẽ tạo ra bất bình đẳng trong giáo dục, hạn chế cơ hội tiếp cận giáo dục của các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

PGS.TS Trần Quang Tiến đề xuất, cần tiếp tục thay đổi cơ chế về học phí ĐH để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước và tạo điều kiện cho các trường cải thiện nguồn thu, yên tâm đầu tư nâng cao chất lượng. Đồng thời với các trường ĐH tự chủ tài chính thuộc Đơn vị nhóm 2 (theo Điều 9 Nghị định 60/2021/NĐ-CP), Nhà nước cần hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm tài sản để cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục ĐH ngày càng đáp ứng với các tiêu chuẩn, quy định và thông lệ quốc tế. Tiếp tục cải thiện chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

TS Phạm Hiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Chuyển giao tri thức (Trường ĐH Thành Đô) đánh giá, bên cạnh chính sách học bổng từ nhà trường, về lâu dài Nhà nước cũng cần đầu tư. Đơn cử, với các trường ĐH tự chủ, Nhà nước cắt chi thường xuyên thì phải chuyển ngân sách đó thành học bổng cho sinh viên khó khăn. Mức học bổng phải đủ lớn và tăng mức cho vay phù hợp với thực tế giá cả tăng hàng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài toán học phí đại học