Bên hành lang Quốc hội chiều 22/10, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chia sẻ ý kiến về vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà vừa qua.
Nhân viên công ty Wiwasupco thau dọn bể tại các tòa chung cư.
Chia trách nhiệm bảo vệ nguồn nước
“Khi nguồn nước bị sự cố thế này nhiều người mới nghĩ đến nguồn nước sông Đà, hồ Đồng Bài. Nhưng trong thực tế từng khu vực, từng hộ dân, khu chung cư cũng phải cẩn thận, giữ gìn vệ sinh an toàn nguồn nước” - ông Hải nói. Theo Bí thư Hoàng Trung Hải, chúng ta thường nói đến an ninh chính trị nhưng không nghĩ đến an ninh nguồn nước, tức là liên quan đến vệ sinh, an toàn. Do đó, sau sự cố nguồn nước sạch bị đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm thì vấn đề này càng phải được đặc biệt quan tâm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Ngoài doanh nghiệp kinh doanh nguồn nước thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chủ đầu tư, kế đó là Công an địa phương. Thực tế, nước hồ không phải sạch để có thể dùng ngay nhưng cần phải xem lại hệ thống quan trắc của mình còn hạn chế.
“Bất cứ ở đâu mất an ninh, an toàn nguồn nước cũng có thể xảy ra, vậy thì hệ thống nào sẽ phát hiện ra? Như thế là phải chia trách nhiệm, anh nhận nước đầu nguồn thế nào, xử lý thế nào? Không thể để tình trạng toàn bộ hệ thống quan trắc mà không phát hiện ra, hoặc phát hiện mà lúng túng trong xử lý như lãnh đạo công ty nước sạch sông Đà nói là không biết nên dừng hay không nên dừng cấp nước cho khách hàng” – Bí thư Thành ủy nói.
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho rằng, sau chủ đầu tư thì các nhà phân phối nước sạch cũng phải có hệ thống quan trắc để kịp thời phát hiện những sai sót nếu có. Anh bán nước cho khách hàng thì phải chịu trách nhiệm với chất lượng nước. Phải rà soát lại toàn bộ quy trình, đảm bảo nguồn nước khi đến với người dân phải an toàn tuyệt đối.
Qua vụ việc này người dân sẽ quan tâm hơn, liệu anh có để xảy ra lần sau không, hay lần sau tái diễn anh lại xin lỗi lần nữa - ông Hải nói và cho biết đây cũng là việc mà thành phố, các sở ngành, doanh nghiệp sẽ phải rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra các quy định bắt buộc. Ví dụ muốn trở thành nhà đầu tư cấp nước phải đáp ứng những tiêu chí gì?
“TP Hà Nội 10 triệu dân mà để xảy ra vụ việc như vừa qua là rất đáng tiếc, cần phải rút kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục, không để vụ việc tương tự xảy ra” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Không nên loại trừ một kịch bản nào
Ở góc độ nhà quản lý, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, sự cố xảy ra đối với công ty nước sạch sông Đà là hết sức hy hữu. “Các đối tượng đã mang chất thải, cụ thể là dầu thải đổ vào nguồn nước. Đây là vi phạm hết sức nghiêm trọng “ - Bộ trưởng Hà nói.
Ông Trần Hồng Hà cho rằng, qua vụ việc này cho thấy đã đến lúc phải đưa ra cảnh báo đỏ cho việc quản lý an ninh nguồn nước, đặc biệt là nước dùng cấp cho sinh hoạt. “Tôi cho rằng phải xem lại 3 khía cạnh, thứ nhất là thiếu chủ động ban hành những cơ chế chính sách, quy phạm liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước. Thứ hai là việc thực thi chính sách pháp luật của doanh nghiệp. Thứ ba là chuyển từ việc Nhà nước quản lý nguồn nước sạch sang tư nhân thì có những mặt tích cực nhưng bên cạnh đó sự phối hợp giữa cơ quan Nhà nước địa phương và doanh nghiệp tư nhân trong vấn đề bảo vệ an toàn nguồn nước chưa có quy định và quy trách nhiệm cho ai” - ông Hà nói.
Trả lời câu hỏi bây giờ là dầu thải nhưng sau này có thể là chất độc hơn đổ vào nguồn nước thì lấy gì để bảo đảm? Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta không loại trừ một kịch bản nào nếu còn để tái diễn tình trạng quản lý lỏng lẻo về an ninh nguồn nước như hiện nay.
“Tôi cũng sử dụng nguồn nước này đến 3 ngày. Thực tế cho thấy khi có sự cố xảy ra công ty cung cấp nước đã hoàn toàn thiếu một giải pháp đúng đắn, kịp thời. Có thể dùng từ hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết”.
Về chế tài cho hành vi này, ông Trần Hồng Hà nói: Việc này, cứ để các cơ quan thi hành pháp luật thực hiện. Hiện nay chúng ta có đầy đủ quy định pháp luật để xử lý những sai phạm.