Trong năm qua lực lượng Công an khởi tố điều tra trên 400 vụ án liên quan đến tín dụng đen, có trên 700 bị can về các tội danh liên quan. Tín dụng đen thực sự đã đến lúc phải cảnh báo đỏ.
Điêu đứng vì vay qua app
Theo thông tin từ Bộ Công an, trong năm 2021, cơ quan này đã triệt phá nhiều băng nhóm hoạt động liên quan đến tín dụng đen.
Điển hình, tại TP HCM đã phát hiện 41 đối tượng thiết lập 3 ứng dụng điện thoại di động để hoạt động cho vay lãi nặng (lãi suất lên đến 2,5%/ngày, tương đương 912,5%/năm), khởi tố đối với năm bị can về tội “cho vay lãi nặng” trong giao dịch dân sự.
Tuy nhiên đáng chú ý, trong thời gian gần đây có hoạt động cho vay qua ứng dụng (app) còn kinh khủng hơn cả tín dụng đen truyền thống. Mức lãi suất cho vay qua app như báo Đại Đoàn Kết từng nêu, lên tới 400% - 1200% /năm thậm chí 3000%/năm. Trong đó trường hợp anh T. phản ánh là dẫn chứng.
Cụ thể tháng 9/2020, anh có tải app Mo Dong và đăng ký vay. Sau đó, app này thông báo cho vay 1,6 triệu đồng, kỳ hạn 7 ngày, nhưng số tiền mà app này giải ngân thực tế chỉ là 1 triệu đồng (600.000đ còn lại trừ vào các loại phí). Sau 7 ngày, anh phải trả 1,6 triệu đồng. Như vậy, với số tiền thực vay 1 triệu đồng, anh phải trả lãi suất gần 8,6%/ngày, tương đương lãi suất hơn 3.000%/năm.
Hoạt động cho vay qua app cũng đã nhiều lần làm nóng nghị trường Quốc hội, khi các biện pháp đòi nợ vô cùng tàn nhẫn, độc ác, rát mặt. Bản thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phải lên tiếng về cho vay ngang hàng, khi các biến tướng ngày càng phức tạp.
Đáng chú ý một số đối tượng người nước ngoài còn móc nối với cơ sở ở trong nước để cho vay nặng lãi thông qua các app vay tiền khiến nhiều người dân sập bẫy tín dụng đen. Cơ quan cảnh sát hình sự Công an TP HCM cũng đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ việc liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi kết hợp với các tội phạm như bắt giữ người trái phép, đe dọa tính mạng nạn nhân. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều đối tượng tội phạm chưa bị phát hiện đang tổ chức cho vay ở các khu vực đông dân cư, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo khẳng định từ Bộ Công an, cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xử lý hoạt động liên quan đến tín dụng đen, nhất là các dịch vụ cho vay nặng lãi của các doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động biến tướng vay qua app trên các thiết bị điện tử.
Trọng tâm, Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh tài chính, tiền tệ; kiểm tra, xử lý các dịch vụ cho vay nặng lãi trực tuyến.
Đồng thời, tập trung phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động tín dụng đen, nhất là hoạt động của một số doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động cho vay lãi nặng trực tuyến, vay qua app.
Tín dụng đen gắn với tệ nạn xã hội
Dù các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, song vấn nạn tín dụng đen vẫn bùng nổ. Và quan điểm của ngành ngân hàng luôn coi việc đấu tranh xóa bỏ tệ nạn tín dụng đen trong xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và được triển khai liên tục trên toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tín dụng đen gắn chặt với các tệ nạn xã hội như cờ bạc, lô đề, cá độ… Muốn đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ tín dụng đen thì cần sự nhất quán vào cuộc của các bộ ngành địa phương.
Theo ông Tú, các tổ chức tín dụng phải tăng cường tham gia sâu hơn vào thị trường, tiếp cận khách hàng để đáp ứng nhu cầu vốn chính đáng của người dân. Từ đó người dân có nhiều sự lựa chọn vay vốn ở kênh chính thức, tín dụng đen sẽ bị thu hẹp và bị đẩy lùi. Riêng ngành ngân hàng quyết tâm bằng nhiều giải pháp từng bước đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tín dụng đen.
Theo đó, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường thông tin đến người dân để hiểu rõ hơn về những chính sách tín dụng, đặc biệt là mở rộng các gói vay nhanh, thủ tục đơn giản để người dân dễ dàng tiếp cận.
Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm triển khai các hình thức Mobile Money, mở rộng khách hàng cho vay vốn đối với các tổ chức tài chính vi mô...
“Khi ngành ngân hàng đáp ứng được các nhu cầu chính đáng, đầy đủ về vốn chính thức của người dân sẽ góp phần đẩy lùi và xóa bỏ tín dụng đen. Tuy nhiên, bên cạnh đó rất cần sự vào cuộc của cả người dân. Đặc biệt, trấn áp vi phạm đối với tín dụng đen phải được coi trọng trong các giải pháp của lực lượng công an, tòa án, viện kiểm sát (nếu trở thành vụ án) và cả chính quyền địa phương, các cấp, ngành” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Trên thực tế, hoạt động tín dụng đen khá phổ biến với nhiều băng nhóm tội phạm. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn giăng bẫy, lừa đảo ngày càng tinh vi với các chiêu trò phức tạp như tiếp cận người dân thông qua hoạt động vay mượn di động, mạng xã hội. Tạo ra các hợp đồng giả, lãi suất thấp hơn lãi suất thực tế để trốn tránh trách nhiệm hình sự khi bị phát hiện, tố giác.