Cảnh báo lạm phát

Thanh Giang 11/05/2016 11:30

Theo thống kê của các bộ ngành liên quan, nền kinh tế có nhiều điểm sáng lạc quan như: sản xuất giữ vững, tín dụng tăng hơn 3% (cao hơn cùng kỳ năm trước), dự trữ ngoại tệ cũng tăng theo hướng dẫn của Chính phủ, thị trường bất động sản dự báo tiếp tục phát triển trong thời gian tới… 

Bên cạnh những điểm nhấn tích cực của nền kinh tế nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, hiện tại có quá nhiều vấn đề đang gây áp lực cho nền kinh tế. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế có biểu hiện chậm lại, quý I chỉ đạt 5,46% - đây là mức thấp. Đặc biệt, sự trở lại của giá dầu tạo đang là yếu tố cộng hưởng để lạm phát quay trở lại. Riêng cuối tháng 3 - 2016 giá dầu tăng kéo chỉ số giá tiêu dùng lên mức 0,16%. Tiếp đó, trong tháng 4 chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng 0,33%. Trường hợp giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng thì chỉ số giá tiêu dùng trong nước chắc chắn bị đẩy lên cao mức hiện tại.

Ngoài các yếu tố trên, vấn đề lãi suất đang đè nặng doanh nghiệp tác động khá lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Thị trường ghi nhận tình trạng lãi suất cao và tăng, nếu như khó khăn này không được giải quyết thì tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Riêng quý I - 2016 có 23 ngàn DN tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ có 42% có lãi, 1 nửa thua hoặc hòa vốn. 42% DN có lãi là điều không bình thường cho thấy hiệu quả kinh doanh quá thấp. Lý do dẫn đến sự đuối sức của cộng đồng DN được ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn đầu tư, lãi suất vay vốn khá cáo DN khó kham nổi. “Lạm phát trong năm qua chỉ ở mức 1,84% nhưng lãi suất thực lại dao động ở mức 7 - 8% là quá cao. Trong khi đó ở một số nước trong khu vực áp dụng lãi suất rất thấp. Cụ thể, Philipines chỉ 2,2%, Malaysia 2,1%. Nên giảm lãi suất thực 1- 2%, giảm nợ xấu tạo điều kiện tốt nhất cho DN tập trung vào hoạt động sản xuất” - ông Vũ Tiến Lộc dẫn chứng khó khăn thực tế.

Khó khăn của nền kinh tế phải kể đến sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Nhập siêu tăng trở lại do cầu trong nước tăng lên. Cộng hưởng các khó khăn chung của nền kinh tế phải kể đến tình hình hạn, mặn tại ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này tác động phần nào đến sản xuất và kinh doanh.

Ông Lê Minh Hưng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại, tất cả những dấu hiệu tiêu cực từ nhiều ngành khác nhau đang là thách thức cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7%, đồng thời khó khăn cả trong việc thực hiện kiểm soát lạm phát 5%. Hàng loạt yếu tố gây khó cho nền kinh tế vì vậy đòi hỏi chiến lược điều hành lãi suất hết sức thận trọng. Tiếp tục điều hành tín dụng an toàn hiệu quả, cảnh báo các tổ chức tín dụng tăng trưởng cao, sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Nếu có những biến động thực hiện công cụ can thiệp kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo lạm phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO