Theo Công an tỉnh Bình Dương, thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo bằng hình thức giả danh Công an, cán bộ toà án và lừa đảo qua mạng, điện thoại xuất hiện nhiều trở lại, gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân. Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần tỉnh táo và cảnh giác trước những sự việc trên.
Đại tá Trần Văn Chính - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, các đối tượng giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, nhân viên Bưu điện sử dụng giao thức kết nối internet (VoIP) để giả các đầu số giống số điện thoại của cơ quan Công an như: +000113, +84000113,... gọi đến số máy bàn cố định của bị hại và xưng danh là Điều tra viên của Bộ Công an đang điều tra vụ án buôn bán ma túy và rửa tiền lớn, đối tượng trong vụ án có sử dụng chứng minh nhân dân của bị hại để đăng ký mở tài khoản ngân hàng, dùng tài khoản đó vào mục đích phạm tội có liên quan đến vụ án mà cơ quan Công an đang điều tra.
Để chứng minh bị hại trong sạch, đối tượng yêu cầu bị hại khai báo tài khoản với lý do phục vụ cho công tác điều tra; đồng thời, yêu cầu bị hại chuyền tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng lập, khi nào xác minh xong, nếu không liên quan đến tội phạm trả lại tiền. Quá trình liên lạc với bị hại, các đối tượng yêu cầu bị hại cung cấp số điện thoại di động để bọn chúng gọi và giữ liên lạc liên tục, đồng thời lấy lý do hợp lý để yêu cầu bị hại đến nơi vắng người (khách sạn, nhà nghỉ...) nhằm mục đích không cho bị hại có cơ hội liên lạc hoặc nhận được tư vấn của người thân, người hiểu biết pháp luật. Sau khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng chiếm đoạt tiền và cắt liên lạc.
Bên cạnh đó, hiện tượng các đối tượng tự xưng là người nước ngoài (đa phần là ở các nước Tây Âu, Mỹ) làm quen với người bị hại (thường là phụ nữ độc thân) qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Whatsapp...), với nhiều kịch bản khác nhau để tạo lòng tin với họ. Sau một thời gian quen biết, đối tượng ngỏ ý muốn gửi một số tiền lớn hoặc gửi hàng, quà có giá trị về Việt Nam để đầu tư, làm từ thiện, tặng, cho, mua bất động sản... và nhờ bị hại nhận giúp. Sau khi bị hại đồng ý, một vài hôm sau, sẽ có đối tượng khác giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, nhân viên thuế... với nhiều lý do để yêu cầu bị hại chuyển tiền nhiều lần như: đóng tiền phạt, đóng thuế, đóng tiền vận chuyển,... sau đó cắt liên lạc và chiếm đoạt tiền của bị hại.
Bằng phương thức thủ đoạn nêu trên, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại, có vụ lên đến nhiều tỷ đồng. Trong năm 2018 có 12 vụ lừa đảo qua mạng viễn thông, 9 vụ lừa đảo qua mạng internet (mạng xã hội) gây thiệt hại hơn 14,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ điều tra, phá án với loại tội phạm này rất thấp. Nguyên nhân do đối tượng sử dụng phần mềm máy tính để gọi điện cho bị hại nên việc truy nguyên theo dấu vết qua mạng internet gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt tài khoản mà nhóm lừa đảo chỉ định cho bị hại chuyển tiền hầu hết là thuê lại nên chủ tài khoản không biết được động cơ cũng như nhân thân của đối tượng.