Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo núi lửa phun trào và động đất sẽ tiếp diễn tại Hawaii trong vài tháng tới do tác động của cơn địa chấn ngày 5/5 có cường độ mạnh nhất xảy ra tại Đảo Lớn trong hơn 40 năm qua.
Khói bốc lên tại vùng Đảo Lớn sau khi núi lửa Kilauea phun trào. (Nguồn: AFP).
Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết đã xuất hiện hàng loạt khe nứt mới ở khu vực Leilani Estates, cách núi lửa Kilauea trên Đảo Lớn vốn phun trào dung nham từ ngày 4/5 khoảng 19 km.
Trong khi đó, Trung tâm quan sát núi lửa Hawaii cảnh báo "hoạt động phun trào đang gia tăng và dự kiến sẽ tiếp diễn trong vài tuần hoặc vài tháng tới."
Theo cơ quan trên, hoạt động của núi lửa Kilauea đang cho thấy những điểm tương đồng với sự kiện hồi năm 1955 vốn kéo dài trong 88 ngày.
Theo Cơ quan Phòng vệ dân sự Hawaii, dung nham trong các đợt phun trào tiếp theo có thể lên tới 1.150 độ C. Lực lượng cứu hỏa địa phương cũng cảnh báo chất lượng không khí ở mức "vô cùng nguy hiểm" do lượng khí sulfur dioxide (SO2) cao có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và kích ứng da.
Núi lửa Kilauea bắt đầu phun trào dung nham từ ngày 4/5 sau hàng loạt trận động đất làm rung chuyển Hawaii trong hơn một tuần qua. Thống đốc David Ige đã điều động lực lượng vệ binh quốc gia tại bang này để hỗ trợ khẩn cấp.
Một trung tâm cộng đồng địa phương đã trở thành nơi cư trú tạm cho những người dân bị ảnh hưởng. Sau cơn địa chấn ngày 5/5, nhiều nhà cửa trên Đảo Lớn đã bị phá hủy. Hơn 1.800 người đã phải rời nhà cửa đi lánh nạn. Trước đó, giới chức Hawaii Mỹ đã yêu cầu khoảng 10.000 người dân sơ tán.
Kilauea là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh mẽ nhất trên thế giới và là một trong năm núi lửa ở Hawaii. Núi lửa này liên tục hoạt động trong 35 năm qua.