Là một trong những giải thưởng được Hội Điện ảnh VN tổ chức thường niên, nhằm tôn vinh người làm nghề, cùng những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, nhưng càng ngày giải thưởng Cánh diều càng kém sức hấp dẫn cả người trong cuộc lẫn khán giả. Trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, có việc kết quả đã được nhiều người biết trước lễ trao giải, khiến chả ai buồn hồi hộp nữa.
Phim “Trúng số”.
Giải thưởng của Hội Điện ảnh VN được công bố với nhiều hạng mục, thể loại phim ảnh được trao. Nhưng xem ra giải thưởng phim truyện điện ảnh vẫn quan trọng hơn cả. Năm nay Cánh diều Vàng đã được trao cho phim “Trúng số”. Còn lại các bộ phim khác như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Người trở về”, “Cuộc đời của Yến” được trao giải Cánh diều Bạc. Trước lễ trao giải, cánh truyền thông cứ hi vọng rằng những thông tin về kết quả giải thưởng đã loang ra chỉ là tin đồn… Vậy mà tin đồn thành sự thực.
Nhiều người bảo BGK lựa chọn phim “Trúng số” để trao giải đã cho thấy tiêu chí của Cánh diều là tôn vinh phim thương mại. Bởi mấy mùa giải gần đây, phim thương mại liên tiếp được Hội Điện ảnh VN vinh danh. Đơn cử như ở mùa giải năm 2014 (trao 2015), không có phim truyện điện ảnh nào đoạt giải Cánh diều Vàng, nhưng bộ phim “Hương Ga” (cùng với phim “Những đứa con của làng”, phim “Lạc giới”) đã được chọn trao Cánh diều Bạc. Hay ở mùa giải 2013 (trao năm 2014) phim “Thần tượng” đã đoạt ngôi vị cao nhất…
Trong khi ở mùa giải này, giới chuyên môn có người kỳ vọng vào phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” bởi cách đây ít lâu, bộ phim đã giành Bông sen Vàng tại LHP VN lần thứ 19. Có người lại kỳ vọng vào bộ phim “Người trở về” – một trong số ít những phim nhà nước tham dự giải Cánh diều. Đạo diễn Lê Lâm- thành viên BGK phim truyện điện ảnh chia sẻ, ông đánh giá cao nhất một bộ phim chiến tranh mà không anh hùng hoá, không lên gân tuyên truyền, nó gây xúc động lòng người...
Nhưng đó chỉ là nhận định, kỳ vọng. Phim “Trúng số” đã được Cánh diều Vàng gọi tên. Đây là một bộ phim từng được chọn đại diện cho điện ảnh VN tranh giải Oscar 2016. Tuy bị loại từ vòng đầu ở giải thưởng Oscar nhưng cuối cùng đã giành Cánh diều Vàng cho phim truyện điện ảnh hay nhất. Thế là hòa cả làng. Vì không thể trao hơn một giải thưởng Cánh diều Vàng, nên những ứng viên còn lại cùng được giải Cánh diều Bạc- cho dù 3 bộ phim ấy được thể hiện bởi những ngôn ngữ điện ảnh khác nhau.
Không phải đến bây giờ Cánh diều mới bị chê “nhạt”. Từ nhiều mùa giải trước, thậm chí từ năm 2010, có đạo diễn đã đề xuất nên dừng trao giải Cánh diều bởi một giải thưởng của Hội nghề nghiệp mà người làm nghề không muốn gửi tác phẩm tham dự. Hoặc người được giải cũng không buồn đến nhận giải vì đã biết kết quả từ trước rồi… Bản thân Hội Điện ảnh VN cho dù đã cố gắng nâng tầm giải Cánh diều, nhưng rồi trước áp lực của truyền thông Hội cũng đã khẳng định: Cánh diều chỉ là giải thưởng của Hội nghề nghiệp, không nên khoác chiếc áo rộng quá cho Cánh diều...
Chỉ có điều, năm nào Cánh diều cũng được tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia. Lẽ ra một chương trình được ưu ái sóng, lại liên quan điến điện ảnh phải cực kỳ hấp dẫn khán giả. Nhưng sự thực là người xem thà lựa chọn một Gameshow nào đó còn hơn là phải ngồi xem một chương trình ít kịch tính… Vì thế cho dù BTC có lý giải thế nào đi nữa về sự ảm đạm của Cánh diều, thì chừng nào chương trình còn được truyền hình trực tiếp trên sóng hình quốc gia, khán giả vẫn có quyền đòi hỏi một lễ trao giải điện ảnh chất lượng hơn, xứng tầm hơn.