Pháp luật

Cảnh giác các loại tội phạm thường xảy ra vào dịp Tết

K.Huệ 15/01/2025 10:44

Giáp Tết, kẻ gian tiếp tục sử dụng các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi hơn, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, nạn trộm cắp, cướp giật, tín dụng đen... cũng khá phổ biến, người dân cần cảnh giác.

bai tren
Website giả mạo bán vé máy bay được các đối tượng xấu thực hiện để lừa khách hàng. Ảnh: VNA.

Không lơ là, chủ quan

Công an TPHCM vừa phát cảnh báo đến người dân về các loại tội phạm thường xảy ra vào dịp cuối năm, đặc biệt là nạn trộm cắp, cướp giật, tín dụng đen…, có khả năng gia tăng hoạt động cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Theo đó, các tội phạm thường nhắm đến các gia đình thường xuyên vắng nhà, không có người trông coi hoặc ở khu dân cư thưa thớt; các cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở giáo dục mà lực lượng bảo vệ mỏng, camera giám sát báo động không có hoặc hỏng… Đặc biệt, tội phạm trộm cắp sẽ lợi dụng sơ hở của người dân trong quản lý tài sản như xe máy không có khóa chống trộm, quên rút chìa khóa.

Đại diện Công an TPHCM cho biết, một số đối tượng lợi dụng khu vực công cộng như: bến xe, chợ, công viên; trong các sự kiện lễ hội, nơi tập trung đông người… sẽ cùng phối hợp lấy trộm ví tiền, điện thoại của người dân. Các đối tượng thường hoạt động theo nhóm từ hai người trở lên, lợi dụng chỗ đông người hoặc tạo ra cảnh chen lấn, xô đẩy để thực hiện hành vi trộm cắp.

“Do vậy, người dân cần cảnh giác, đề phòng; gia cố cửa, tăng cường khóa an toàn có khả năng chống trộm… Đặc biệt dịp Tết, vắng nhà lâu ngày cần nhờ người trông coi. Nên làm tường rào ngăn chặn việc leo trèo từ cây xanh, trụ điện gần nhà; trang bị camera giám sát, chuông báo từ xa; tạo mối quan hệ tốt với hàng xóm để được hỗ trợ…”, đại diện Công an Thành phố khuyến cáo.

Công an Thành phố cũng đặc biệt lưu ý người dân khi lưu thông hoặc đến giao dịch tại cửa hàng vàng bạc, ngân hàng, trụ ATM chú ý khi mang theo trang sức, túi xách, điện thoại... Thủ đoạn tội phạm cướp giật thường dùng xe máy tốc độ cao, ăn mặc lịch sự hoặc mặc trang phục của xe ôm công nghệ. Đối với các nhóm tội phạm dàn cảnh va chạm, chặn đầu xe gây lộn xộn rồi lợi dụng móc túi, Công an Thành phố khuyến cáo người dân hạn chế mang theo tài sản giá trị, nếu có cần bảo quản cẩn thận; chú ý quan sát khi di chuyển; không nên dừng đỗ ở nơi vắng vẻ, đêm khuya; không dùng điện thoại khi đang di chuyển…

Tại nơi công cộng, Công an Thành phố khuyến cáo người dân khi bị mất tài sản cần la lớn, nắm ngay tay đối tượng nghi vấn; đề nghị người đứng gần nhất thấy sự việc để làm chứng và nhờ người xung quanh, lực lượng bảo vệ can thiệp, hỗ trợ.

Công an cũng cảnh báo người dân về tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: đóng giả lực lượng công an, viện kiểm sát, thuế, điện lực… để gọi điện lừa đảo; tội phạm tín dụng đen. Người dân cần cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao cảnh giác, phòng ngừa.

Cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo mới

Thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt các đối tượng xấu giả mạo nhân viên điện lực để lừa đảo người dân. Những đối tượng này thường sử dụng phương thức gọi điện hoặc nhắn tin qua Zalo, SMS để yêu cầu người dân thanh toán tiền điện ngay lập tức, đồng thời đe dọa sẽ cắt điện nếu không thanh toán. Với hình thức lừa đảo này, đối tượng lừa đảo thường giả danh là nhân viên điện lực gọi điện đến khách hàng, thông báo rằng có vấn đề về hóa đơn tiền điện như: quá hạn, số tiền nợ lớn hoặc lỗi kỹ thuật trong hệ thống.

Bên cạnh đó, nắm bắt nhu cầu đặt vé máy bay và vé xe của người dân trên cả nước tăng cao, các đối tượng lừa đảo lợi dụng để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản. Theo phản ánh của người dân tới hệ thống Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), những ngày gần đây đã xuất hiện trường hợp giả mạo thương hiệu, doanh nghiệp để mời chào các chương trình “khuyến mãi Tết”, “vé xe Tết giá rẻ” hoặc “vé máy bay ưu đãi”. Thủ đoạn thường được các đối tượng sử dụng là giả danh nhân viên hoặc đại lý ủy quyền của các hãng hàng không để gọi điện, nhắn tin cho người dân giới thiệu các chương trình ưu đãi, đưa ra mức giá vé hấp dẫn, cùng cam kết có thể chiết khấu cao. Kẻ lừa đảo còn sử dụng các cụm từ kích thích tâm lý như “đặt vé ngay kẻo hết” hoặc “ưu đãi chỉ dành cho số lượng giới hạn” để tạo áp lực, khiến nạn nhân đưa ra quyết định một cách vội vàng. Sau khi nhận được tiền từ nạn nhân, kẻ lừa đảo sẽ lập tức chặn liên lạc và xóa toàn bộ dấu vết. Điều này khiến người bị hại không thể liên lạc hoặc truy tìm thông tin để khiếu nại.

VNCERT/CC khuyến cáo người dân thận trọng trước những lời mời chào, chương trình khuyến mãi hấp dẫn và không nên thực hiện giao dịch nếu chưa xác minh rõ thông tin từ những cuộc gọi, tin nhắn của người lạ. Khi có nhu cầu mua vé máy bay, vé xe dịp Tết, người dân cần đặt vé qua các kênh chính thức của hãng hàng không hoặc nhà xe, tránh giao dịch qua bên trung gian không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo uy tín.

Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT) khuyến cáo, người dân cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội. Luôn theo dõi thông tin chính thức tại các website, báo chí chính thống của các cơ quan, tổ chức Nhà nước. Cần cẩn trọng khi tiếp nhận bất kỳ thông tin nào trên mạng xã hội, thực hiện xác thực chính xác trước khi lan truyền để tránh gây hoang mang cho người dân dẫn đến những rủi ro về pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác các loại tội phạm thường xảy ra vào dịp Tết