Tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo trên mạng đang có những diễn biến phức tạp. Gần đây lại xuất hiện loại tội phạm giả danh tổng đài viên để chiếm quyền kiểm soát SIM, cuộc gọi của người dùng, sau đó dùng thủ thuật đăng nhập vào tài khoản ngân hàng, ví điện tử… để chiếm đoạt tiền.
Đây được coi là loại tội phạm mới, tinh vi do đó người bị hại cũng khó đề phòng và cơ quan chức năng cần thời gian nhiều hơn cũng như các biện pháp nghiệp vụ sâu hơn để ngăn chặn, triệt phá. Vì thế, lời khuyên của giới chuyên gia công nghệ cũng như cơ quan chức năng là trước hết người dùng cần cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn từ số máy lạ có nội dung đề nghị hỗ trợ thay SIM, nâng cấp SIM.
Với loại tội phạm này, có thể hiểu là khi đã chiếm được quyền kiểm soát SIM, mọi cuộc gọi, tin nhắn đến thuê bao của người dùng lập tức chuyển tiếp tới số điện thoại của đối tượng lừa đảo. Lúc này, chúng sẽ đăng nhập vào các tài khoản ngân hàng, ví điện tử… của nạn nhân qua tính năng “quên mật khẩu” trên các ứng dụng. Vì căn cứ trên SIM, nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi mã xác thực OTP đến SIM “chính chủ” để tạo mật khẩu mới và từ đó đối tượng lừa đảo thực hiện việc lấy tiền trong ví điện tử, thậm chí tài khoản ngân hàng.
Đáng chú ý, tội phạm thường giả là nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử… với lý do “hỗ trợ giải quyết sự cố” để yêu cầu người dùng nhắn tin theo cú pháp đưa ra, nhưng thực chất là thao tác chuyển hướng cuộc gọi để chiếm quyền kiểm soát SIM. Khi thao túng xong, cuộc gọi sẽ được chuyển hướng đến số điện thoại của đối tượng lừa đảo và đối tượng này sẽ có được mã OTP của người dùng.
Để bảo vệ người dùng, VinaPhone, MobiFone, Viettel... đã khuyến cáo những việc cần thiết, đặc biệt là cần hết sức cảnh giác xác minh thông tin đối tượng đang liên lạc có thực sự là nhân viên của nhà mạng hay không và nhất là không vội vã làm theo đề nghị hay hướng dẫn của người lạ; tuyệt đối không cung cấp mã OTP, mật khẩu giao dịch, thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã PIN. Khách hàng tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật cũng như của các nhà mạng về việc đăng ký thông tin thuê bao đầy đủ nhằm bảo đảm quyền sử dụng hợp pháp thuê bao và các dịch vụ.
“Cần hết sức cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn từ số máy lạ có nội dung đề nghị hỗ trợ thay SIM, nâng cấp SIM hoặc thông báo trúng thưởng…” - khuyến cáo từ Viettel.
Đó là từ các nhà mạng và từ phía người sử dụng điện thoại di động. Nhưng rất quan trọng là từ phía cơ quan chức năng có nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Thực tế thì nhiều người dùng điện thoại di động (hoặc một số hoạt động mạng trên máy tính) không đủ hiểu biết cơ bản về viễn thông, internet; cũng không biết cách thông báo tới nhà mạng, cơ quan chức năng về nghi ngờ mình đang bị tội phạm công nghệ dẫn dụ. Cũng có không ít người dễ tin, không cảnh giác, nhận bất cứ cuộc gọi nào đến từ số lạ, tiếp chuyện rồi bị dẫn dụ làm theo để đến lúc bị rơi vào bẫy, “tiền mất tật mang”.
Chính vì thế trách nhiệm của nhà mạng, của ngân hàng, của cơ quan chức năng, của cảnh sát càng phải được đẩy mạnh hơn rất nhiều. Khi đã đưa ra cảnh báo những số điện thoại nào đó có thể là nghi phạm lừa đảo, đưa ra được những chỉ dấu của sự lừa đảo trên mạng thì cũng có thể coi đó là đầu mối để truy vết, bóc gỡ, đánh sập những cá nhân, tổ chức lừa đảo. Có sự phối hợp tốt từ phía người sử dụng, nhà mạng, ngân hàng, cơ quan chức năng thì mới hy vọng ngăn chặn và loại bỏ được loại tội phạm tinh vi này.
Trường hợp bắt giữ được tội phạm lừa đảo trên mạng, rất cần xử lý nghiêm với những tình tiết tăng nặng, đồng thời thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để vừa răn đe tội phạm, vừa để cộng đồng biết nhằm đề cao cảnh giác.