Cảnh giác với hậu Covid-19

Hà Anh 18/11/2022 07:09

Thế giới đã trải qua gần 3 năm chiến đấu với đại dịch Covid-19 với nhiều diễn biến khó lường. Trong giai đoạn hiện nay, hậu Covid-19 trở thành vấn đề cần được quan tâm và nâng cao cảnh giác khi nó đang kéo theo nhiều căn bệnh nguy hiểm như tim mạch và cả những vấn đề xã hội như “bệnh” lười biếng.

Covid-19 kéo dài là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Ảnh: AP.

Triệu chứng âm thầm

Ông Harlan Krumholz - bác sĩ tim mạch tại Trường Y Yale – cho biết, hầu hết chúng ta sẽ ổn sau Covid-19, nhưng các nghiên cứu mới cho thấy một số người sẽ có nguy cơ cao hình thành cục máu đông, đột quỵ hoặc đau tim. Theo bác sĩ Krumholz, cho đến nay hầu hết mọi người đều đã mắc Covid-19, vì vậy nên cảnh giác hơn với các dấu hiệu cảnh báo sớm như đau ngực, sưng bất thường, tê, yếu hoặc thay đổi đột ngột về thăng bằng, giọng nói hoặc thị lực.

Các nghiên cứu thể hiện một điểm đáng lo lắng đó là xuất hiện ngày càng nhiều người trẻ tuổi bị đột quỵ dẫn đến tử vong trong hoặc ngay sau khi mắc Covid-19. Khi đó, các bác sĩ bắt đầu nghi ngờ Covid-19 không chỉ là một bệnh về đường hô hấp mà còn là một bệnh về mạch máu.

Các nghiên cứu lớn hơn hiện đã chứng minh những nghi ngờ trên và cho thấy rằng, mắc Covid-19 làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Điều đó giải thích tại sao tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi – những người hầu như không có nguy cơ bị đột quỵ - lại gia tăng, nhưng đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Những bệnh nhân đã từng hút thuốc hoặc bị cao huyết áp hay tiểu đường sẽ có nguy cơ cao hơn nữa.

Tạp chí Heart - liên kết với British Medical Journal - công bố một khảo sát khi theo dõi 54.000 người ở Anh trong 4 tháng rưỡi và đưa ra kết luận rằng, những người từng bị mắc Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch cao gấp 2,7 lần so với những người chưa bao giờ nhiễm virus Corona.

Cùng với đó, một nghiên cứu mới khác được công bố trên tạp chí Neurosurgery tập trung vào giai đoạn cao điểm của quá trình nhiễm bệnh và kết luận rằng, mắc Covid-19 có liên quan đến đột quỵ và khi căn bệnh này xảy ra ở những người từng mắc Covid-19 có khả năng nghiêm trọng hơn và khó điều trị bằng phẫu thuật.

Bác sĩ Krumholz cho biết, họ vẫn chưa có đủ dữ liệu để biết mức độ giảm thiểu những rủi ro này khi tiêm chủng hoặc nguy cơ gia tăng kéo dài bao lâu. Theo ông Krumholz, cộng đồng y tế từ lâu đã biết rằng, virus có thể để lại những hậu quả kéo dài, nhưng cho đến đại dịch này, nó chưa bao giờ được nghiên cứu kỹ lưỡng như vậy.

Ông Al-Aly là một trong những bác sĩ đầu tiên bắt tay vào nghiên cứu về Covid -19 kéo dài nói riêng và hậu quả của việc nhiễm trùng nói chung. Ông cho biết: “Một điều gì đó từ virus SARS-CoV-2 đã tăng khuynh hướng làm hỏng lớp niêm mạc của mạch máu và tăng khả năng đông máu”.

Trong khi đó, bác sĩ giải phẫu thần kinh tại Bệnh viện Thomas Jefferson ở Philadelphia, ông Pascal Jabbour nói: “Điều khiến căn bệnh này trở thành một bệnh nguy hiểm là bởi vì nó tấn công các mạch máu, gây ra tình trạng gọi là thiếu máu cục bộ. Đây cũng là căn nguyên của vấn đề tuần hoàn được gọi là Covid-19 ngón chân”.

Tuy nhiên, không phải ai từng mắc Covid-19 cũng sẽ bị viêm mạch máu nghiêm trọng, căn bệnh này vẫn chỉ là một cái gì đó như một trò may rủi. Điều đó có nghĩa là mọi người không nên tuyệt vọng hay hoảng sợ. Điều trị sớm có thể cải thiện tình hình và không ảnh hưởng đến tính mạng, đó là lý do tại sao các bác sĩ khuyến khích những người đã từng mắc Covid-19 không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào, ngay cả khi họ chưa từng có bất kỳ nguy cơ nào trước đó.

“Bệnh” lười biếng sau Covid-19

Bên cạnh những bất ổn về sức khỏe, những tổn thương tâm lý sau thời gian dài chịu cảnh phong tỏa thời Covid-19 cũng đã khiến nhiều người lười ra khỏi nhà, luôn cảm thấy mệt mỏi và không có tinh thần làm việc.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây được Tổ chức Nghiên cứu thị trường quốc tế (IFOP) và Viện nghiên cứu Quỹ Jean-Jaures thực hiện, gần một nửa người dân Pháp không ra khỏi nhà vì lười. Các nhà nghiên cứu chỉ ra tình trạng lười biếng, vốn ảnh hưởng tới 45% dân số Pháp, là hậu quả trực tiếp từ các đợt phong tỏa ngừa Covid-19.

“Bệnh lười ra khỏi nhà đặc biệt tập trung ở những nhóm tuổi tầm trung: 52% trong nhóm người 25 - 34 tuổi và 53% trong nhóm người 35 - 49 tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ ở nhóm người trên 65 chỉ là 33%” - dữ liệu nghiên cứu nêu rõ.

Cuộc khảo sát công bố vào tuần trước cho thấy, 74% số người được hỏi coi ghế sofa và giường là vật dụng không thể thiếu. Theo nghiên cứu, đại dịch và các lệnh cấm nghiêm ngặt đã có tác động sâu đến thái độ của người Pháp đối với công việc, cuộc sống gia đình, thời gian rảnh rỗi và không gian cá nhân. Khoảng 37% số người được hỏi cho biết, họ cảm thấy ít có tinh thần làm việc hơn trước và 41% bày tỏ bản thân cảm thấy mệt mỏi hơn. Tình trạng mệt mỏi gia tăng xảy ra đối với mọi giới tính, lứa tuổi, nền tảng xã hội và nơi sống.

Theo nghiên cứu, thay đổi trong quan điểm này càng trở nên khác biệt do đại dịch Covid-19. Nghiên cứu chỉ ra việc thường xuyên sa thải nhân viên lâu năm và quản lý chỉ tập trung vào thành tích tài chính đã làm thay đổi mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Cuộc khảo sát trên được thực hiện trong 2 ngày đầu tháng 9, với khoảng 1.001 người Pháp trưởng thành tham gia.

Thực tế là một số người đã bị tổn hại sức khoẻ và tinh thần bởi Covid-19 ngay cả khi đã bình phục hoàn toàn. Cần có thêm thời gian, với nhiều nghiên cứu tốt và thêm nhiều trường hợp thực tế để có được sự nhìn nhận chính xác. Tuy nhiên, thông điệp hiện nay là ngay cả khi cảm thấy khỏe, việc từng mắc Covid-19 là một yếu tố gây nguy cơ tim mạch và bất ổn tâm lý. Đó không phải là lý do để tuyệt vọng, nhưng đó là lý do để cảnh giác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với hậu Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO