Chuyên gia bảo mật cảnh báo, tình trạng lừa đảo dưới hình thức "khoá thuê bao" sẽ có thể gia tăng trong thời gian tới, khi cơ quan chức năng đang nỗ lực chuẩn hoá thông tin thuê bao, cương quyết dừng hoạt động của SIM điện thoại có thông tin không chính xác.
Nguy cơ lừa đảo tái diễn
Từ khoảng nửa cuối năm 2022, tình trạng các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo dưới hình thức "khóa thuê bao" và yêu cầu nâng cấp SIM điện thoại đã “nở rộ”, qua đó các đối tượng lừa chiếm đoạt SIM rồi chiếm tài khoản ngân hàng của người dùng.
Mới đây, cơ quan chức năng đã có động thái quyết liệt để ngăn chặn tình trạng SIM ảo, sim rác. Cụ thể, trong thông báo mới nhất của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) khẳng định, các nhà mạng sẽ phải tạm dừng hoạt động của thuê bao nếu không chuẩn hóa thông tin cá nhân từ 31/3 sau khi đối soát thông tin với cơ sở dữ liệu dân cư và có thông báo đến khách hàng.
Để thực hiện mục tiêu này, đại diện Cục Viễn thông cho biết, với các thông tin thuê bao chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư, các nhà mạng phải tổ chức rà soát, đối chiếu, triển khai các giải pháp xác thực thông tin của các thuê bao đã có đủ giấy tờ và đăng ký thông tin đúng quy định.
Với trường hợp các thuê bao nghi ngờ không đúng quy định, nhà mạng sẽ thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Tuy nhiên, ngay khi thông tin này được phát đi, tình trạng cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo “khóa thuê bao” lại tiếp tục tái diễn. Rất nhiều người dân đã nhận được các cuộc gọi dưới hình thức này.
Chị Vũ Hà Nhi (25 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chỉ vài ngày sau khi đọc được thông tin số thuê bao sẽ bị khoá nếu chưa chuẩn hoá thông tin, chị bất ngờ nhận được cuộc gọi xuất phát từ một đầu số lạ, gọi đến thông báo: "Thuê bao của quý khách sẽ bị khóa. Vui lòng liên hệ tổng đài để biết thêm chi tiết...". Tuy nhiên vì đã biết đến chiêu thức lừa đảo này, chị lập tức tắt máy và chặn số.
Tương tự, anh Nguyễn Minh Quân (20 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) cũng nhận được một số điện thoại lạ gọi đến thông báo thuê bao sẽ bị khóa sau 2 tiếng vì chưa trùng khớp thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Anh Quân cho biết: “Ban đầu tôi cũng tưởng thật vì trước đó gia đình có đổi hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên, sau khi đầu dây yêu cầu cung cấp số căn cước công dân và tài khoản ngân hàng cùng một số thông tin danh tính khác. Thấy nghi ngờ giống với các chiêu trò lừa đảo đã được cảnh báo nên tôi đã tắt máy ngay”.
Hệ lụy khôn lường
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam (NCSC) cho biết, nạn lừa đảo bằng sim ảo, sim rác đã và đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Đây là vấn đề phức tạp, khó giải quyết triệt để, tận gốc. Tuy nhiên, động thái mới đây của cơ quan chức năng tại Việt Nam đã cho thấy nỗ lực nhằm hạn chế sự bùng nổ của các hình thức lừa đảo thông qua điện thoại, tin nhắn.
Thế nhưng, lợi dụng thời điểm thuận lợi này để đánh vào tâm lí lo sợ của người dân, nhiều đối tượng lừa đảo có thể tiếp tục tái diễn chiêu thức “khóa thuê bao”. Do đó, nếu không cảnh giác, nhiều người có thể sập bẫy lừa đảo bất cứ lúc nào.
Theo phân tích của chuyên gia, các đối tượng sẽ tiến hành thực hiện các cuộc gọi hoặc tin nhắn giả mạo nhân viên tổng đài đe dọa khóa thuê bao vì không “đạt chuẩn”, yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin về danh tính, hoặc gửi các đường link giả mạo để đánh cắp thông tin cá nhân người dùng.
Các thông tin về danh tính nạn nhân này sau đó có thể được sử dụng cho mục đích lừa đảo dưới những hình thức khác nhau. Một số người có thể bị đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo cũng có thể sử dụng thông tin này cùng những thông tin lộ lọt trên các darkweb khác của nạn nhân để tạo lập các hồ sơ giả mạo. Sau đó, hồ sơ “ảo” này sẽ được sử dụng vào những phi vụ lừa đảo nghiêm trọng hơn như: dùng để vay tín dụng đen, mở ví điện tử online,…
“Tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo cũng sử dụng tin nhắn, cuộc gọi brandname lừa đảo rồi yêu cầu nạn nhân thực hiện theo một cú pháp nhất định. Sau khi thực hiện xong cú pháp này, SIM của nạn nhân sẽ chuyển sang chế độ eSIM. Thực chất bước này là để lừa khách hàng kích hoạt eSIM trên thiết bị mới của kẻ tấn công và thay thế cho SIM hiện tại của nạn nhân. Cụ thể, SIM của nạn nhân sẽ bị vô hiệu hoá, quyền kiểm soát sim sẽ thuộc về kẻ xấu” - ông Hiếu phân tích.
Từ đó, phát sinh rất nhiều hệ luỵ nguy hiểm hơn như: Mất tài khoản mạng xã hội, email,… liên quan đến số điện thoại đó. Đặc biệt nghiêm trọng là tài khoản ngân hàng cũng bị kẻ gian kiểm soát, có thể thực hiện các giao dịch bất chính, chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng.
Để ngăn chặn tình trạng này, chuyên gia cho biết, việc nhận định các cuộc gọi lừa đảo này khá đơn giản bởi không có nhà mạng nào phải gọi điện trực tiếp đến khách hàng và yêu cầu cung cấp thông tin danh tính qua điện thoại. Thay vào đó, nhà mạng có nhiều cách chính thống để kiểm tra các thông tin này như yêu cầu khách hàng đăng kí bằng ứng dụng của chính nhà mạng đó.
“Do vậy, người dân trước hết cần thực sự nâng cao cảnh giác và nhận thức về tình trạng diễn biến phức tạp của lừa đảo qua điện thoại. Cách thức an toàn nhất là gọi điện lên tổng đài của nhà mạng hoặc đến tận nơi cơ sở chăm sóc khách hàng của nhà mạng đó để được hướng dẫn” - ông Hiếu nói.
Tăng cường kỹ năng để chủ động phòng vệ
Theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, nhằm hạn chế sự bùng nổ của các hình thức lừa đảo thông qua điện thoại, tin nhắn cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến người dân bởi cơ quan chức năng và các nhà mạng. Bởi dù có đẩy mạnh các biện pháp siết chặt xác minh danh tính đến đâu, kẻ xấu cũng sẽ tìm ra nhiều phương cách khác để lừa đảo tinh vi hơn, đơn giản như sử dụng số điện thoại nước ngoài để lừa đảo,…
“Do vậy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng để chủ động phòng vệ, tránh sập bẫy lừa đảo của kẻ gian” - ông Hiếu cho hay.