Cơn bão số 10 có thể diễn biến phức tạp kèm theo rủi ro do mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các khu vực đang bị thiệt hại nghiệm trọng do đợt lũ chồng lũ, bão chồng bão từ đầu tháng 10.
Không chủ quan với cơn bão mạnh
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vào 4h ngày 3/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã có những chia sẻ về cơn bão này và cảnh báo bão số 10 hết sức nguy hiểm cả ở trên biển và trên đất liền, bão có thể thay đổi rất nhanh, khó dự báo.
Chia sẻ những cập nhật diễn biến cơn bão số 10 và những nguy hiểm đặc biệt cần lưu ý. Ông Khiêm thông tin: “11h, ngày 3/11, Bão số 10 vẫn giữ cường độ gió cấp 8 và đang có xu hướng tăng cấp, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Đông Nam, di chuyển hướng về phía đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào đến Khánh Hòa. Các nguy hiểm cần lưu ý đầu tiên là gió mạnh cấp 8-9, giật 12 và sóng biển cao 4-6m ở trong khu vực nguy hiểm do bão số 10. Các tàu thuyền hoạt động hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Tại vùng biển ven bờ từ Quảng Ngãi trở vào đến Khánh Hòa có thể có gió cấp 8, giật cấp 11, cùng với đó là do đặc điểm của bão số 10 là vùng mây đối lưu lệch về phía Tây nên khả năng hiện tượng mưa dông, lốc và gió giật mạnh sẽ xảy ra ở vùng ven biển và đất liền từ ngày 4/11, khi bão còn cách bờ khoảng 300-400km, điều này là rất nguy hiểm đối với các hoạt động tàu thuyền và các lồng bè nuôi trồng thủy sản ven bờ”.
Trước khả năng bão kết hợp với không khí lạnh gây đợt mưa to diện rộng ở khu vực miền trung,đến vài trăm mm từ 4-7/11, ông Khiêm đánh giá: “Mưa lớn sẽ khiến nguy cơ lũ trên sông, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Thừa Thiên Huế tới Phú Yên là rất cao trong tuần này. Vì đây là cơn bão cấp 8-9 nên cường độ và hướng di chuyển của nó sẽ chịu sự chi phối của hệ thống ngoại lực là chính, nó có thể thay đổi tính chất rất nhanh. Đối với bão cấp 8-9 và áp thấp nhiệt đới thì các cơ quan khí tượng trên thế giới đánh giá tính bất định về cường độ và quỹ đạo của nó lớn hơn nhiều các cơn bão mạnh và rất mạnh như cơn số 9 vừa rồi. Vì vậy bà con cần theo dõi, cập nhật thường xuyên bản tin dự báo để có giải pháp ứng phó tốt nhất”.
Tập trung ứng phó cao nhất
Trước khi cơn bão số 10 tác động trực tiếp tới nước ta, kể từ ngày 7/10 đến nay, khu vực Trung Bộ đã liên tiếp chịu ảnh hưởng nhiều thiên tai, lũ chồng lũ, bão chồng bão gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Tổng cộng đã có 4 cơn bão (số 6, số 7, số 8 và số 9) và 1 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực miền Trung.
Trong đó, bão số 9 cùng với bão Xangsane (2006) là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Bộ. Trên Biển Đông bão đạt cường độ cấp 14, giật cấp 17. Khi vào đất liền đã gây ra gió rất mạnh, tại Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14. Khu vực cũng đã chịu ảnh hưởng của 3 đợt mưa lớn liên tiếp với tổng lượng mưa các đợt từ 1.000-2.500mm, có nơi xấp xỉ 3.000mm, cao hơn gấp 3-5,5 lần so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ với nhiều điểm vượt giá trị lịch sử. Lượng mưa ngày lớn nhất một số nơi trên 5.00mm.
Do các thiên tai xảy ra trong thời gian dài, liên tiếp, thời gian giữa các đợt thiên tai rất ngắn nên hệ thống hạ tầng, tự nhiên của khu vực bị tổn thương nặng nề. Các hồ chứa đầy nước, mực nước trên các sông luôn ở mức cao, các khu vực dân cư liên tiếp bị ngập sâu, đất bão hòa nước, kém kết dính, trọng lực lớn dễ bị trượt lở. Do đó, khi các đợt mưa lũ liên tiếp xảy ra, tác động và rủi ro thiên tai lớn hơn rất nhiều so với chỉ có một đợt thiên tai.
Theo số liệu của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất từ ngày 6/10 đến 25/10 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm 130 người chết, 18 người mất tích. Chỉ tính riêng thiệt hại do bão số 9 ở khu vực miền Trung, tính đến 7h ngày 2/11, đã có 36 người chết, 46 người mất tích. Hiện vẫn duy trì hơn 7.000 người với hơn 100 phương tiện để nỗ lực tìm kiếm người còn mất tích.
Ngày 3/11, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tiếp tục họp chỉ đạo ứng phó với bão số 10.
Phát biểu tại cuộc họp ứng phó bão số 10, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh cơn bão số 10 có thể diễn biến phức tạp kèm theo rủi ro do mưa lớn gây lũ, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các khu vực đang bị thiệt hại nghiệm trọng do đợt lũ chồng lũ, bão chồng bão từ đầu tháng 10 cho tới nay. Do đó, chúng ta không được chủ quan, đặc biệt là tuyến biển.
Kết luận cuộc họp ông Trần Quang Hoài yêu cầu các bộ, ngành địa phương sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão số 10 và mưa lũ sau bão, trong đó nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số: 1500/CĐ-TTg ngày 28/10/2020, 1503/CĐ-TTg ngày 29/10/2020 và Công điện số 35/CĐ-TW ngày 02/11/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng và Tổng cục Thủy sản phối hợp kiểm soát thật chặt chẽ số lượng tàu thuyền, nhất là Còn 08 phương tiện/60 lao động (Bình Định) trong vùng nguy hiểm và các tàu vãng lai;
Vận hành, bảo đảm an toàn công trình và hạ du các hồ đập thủy lợi, thủy điện đặc biệt đối với các hồ đập nhỏ, các hồ đập xung yếu; Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê sông, đê biển, các công trình phòng chống thiên tai, sạt lở, nhất là các trọng điểm xung yếu và các sự cố xảy ra trong bão số 9 và các đợt mưa lũ vừa qua. Các địa phương rà soát các khu vực sạt lở, công trình phòng chống thiên tai ven biển, đặc biệt các tuyến kè biển đang hư hỏng; khẩn trương công tác hỗ trợ khôi phục căn nhà bị sập đổ, các cơ sở trường học bị thiệt hại và sẵn sàng các biện pháp đảm bảo đón bão số 10.
Đảm bảo an toàn tính mạng các lực lượng cán bộ, chiến sỹ đang tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại các điểm sạt lở, trường hợp cần thiết phải rút quân khi mưa lớn kéo dài.
Bộ Công Thương tiếp tục bình ổn giá các mặt hàng nhu yếu phẩm và đặc biệt là các vật tư khắc phục sửa chữa nhà cửa, cơ sở hạ tầng; chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam sớm cấp điện cho 52 xã phù hợp tình hình ngập lụt thực tế các địa phương, đồng thời thông tin tới người dân về việc cấp điện đảm bảo an toàn tính mạng, tránh các rủi ro không đáng có.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng các phương án nhắn tin tới người dân theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tăng cường các bản tin dự báo tình bão số 10 và mưa lũ, nhất là các bản tin sâu ở các khu vực trọng yếu, khu vực đang cứu hộ cứu nạn, khu vực nguy cơ sạt lở, cảnh báo sạt trượt khu vực miền núi Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.