Cảnh giác với 'thần y', 'thần dược'

NAM VIỆT 09/10/2023 07:30

Thông tin Công an tỉnh Bắc Ninh vừa phá đường dây lừa đảo mạo danh các bệnh viện lớn để bán thuốc, từ tháng 5/2022 đến nay thu lợi gần 50 tỷ đồng, 7.000 người bị hại, một lần nữa khiến xã hội lo lắng. Vì rằng thuốc chữa bệnh liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của con người nên không thể tồn tại bất cứ hành động giả dối nào.

Thông tin ban đầu cho biết, đối tượng cầm đầu đã thuê 21 đối tượng khác lập các Fanpage có hình ảnh, logo của Bệnh viện Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103, nhằm chiếm niềm tin của những người có nhu cầu chữa bệnh. Từ đó các đối tượng đã gọi điện và tự xưng là bác sĩ của bệnh viện, chào bán liệu trình điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp, các loại thuốc, thực phẩm chức năng... được quảng cáo là độc quyền do các bệnh viên nêu trên điều chế, sản xuất.

Khi thấy khách có nhu cầu sử dụng, các đối tượng đặt mua của các hộ kinh doanh thuốc đông y ở huyện Ba Vì, Hà Nội rồi lừa bán với giá cao hơn gấp nhiều lần giá nhập vào. Cơ quan Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 22 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ việc một lần nữa cho thấy hành vi cực kỳ nguy hiểm của các đối tượng lừa đảo, trục lợi từ niềm tin của người bệnh. Đáng tiếc, việc lừa đảo rất nhẫn tâm ấy không phải cá biệt. Tháng 4/2023, Công an quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) khởi tố một nhóm tự xưng là “thần y” chiêu dụ người dân mua các loại “thần dược”. Không ít người đã bị lừa bỏ ra 9 triệu đồng để “đổi lấy” mấy gói hạt mạch nha được phù phép thành “kim sương” chỉ có giá 55.000 đồng/kg, bán tại các chợ.

Cũng tại Đà Nẵng, cuối tháng 3/2023, Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng này lân la về các chợ tạm, chợ cóc vùng nông thôn. Với mỗi kg mạch nha được hô biến thành “thuốc tiên”, đối tượng đã thu lợi bất chính gần 1 triệu đồng. Số tiền các đối tượng lừa được trong thời gian ngắn đã gần 250 triệu đồng.

Cuối tháng 7, Công an TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cũng bắt một nhóm đối tượng dàn cảnh bán “thuốc quý” để chiếm đoạt tiền của nhiều người. Đáng chú ý, các đối tượng đã đặt mua trên mạng xã hội các loại thuốc bắc về đóng gói, nói là “thuốc quý”, bán cho người dân 1 liều lên tới 9,9 triệu đồng.

Trước đó, giữa tháng 6/2023, Công an thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) bắt giữ một đối tượng bán thuốc giả chữa ung thư thông qua mạng xã hội, một liều 54 triệu đồng và đã thu lợi gần 400 triệu đồng.

Việc tự xưng bác sĩ giỏi, lương y, kể cả “thần y” để bán thuốc giả luôn đi cùng với những lời chào mời đầy hứa hẹn như: "Điều trị dứt điểm tiểu đường không tái phát chỉ với 1 liệu trình”; "Thuốc điều trị bạc tóc, thuốc trị nám, sản phẩm làm đẹp được kiểm nghiệm bởi Viện 108”; "Trị dứt điểm huyết áp dù cao hay thấp”... Nhiều trường hợp mạo danh còn tuyên truyền quan điểm chữa bệnh sai lệch.

Không chỉ mạo danh bác sĩ, bệnh viện, nhiều cơ sở còn “thuê” người nổi tiếng (trong đó có các nghệ sĩ) quảng cáo một cách vô căn cứ, làm lẫn lộn giữa thuốc chữa bệnh với thực phẩm chức năng. Bất chấp Luật An toàn thực phẩm quy định: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm".

Trước tình trạng này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải phát đi nhiều cảnh báo các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng các sản phẩm chữa bệnh, quảng cáo thuốc. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn tràn lan trên mạng xã hội...

Ngày 5/10 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cảnh báo 3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất hiện nay. Đó là: Giả mạo website, lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link hoặc file nén, lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR.

Trước đó, ngày 23/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”; công bố Cẩm nang nhận diện và phòng chống 24 hình thức lừa đảo trực tuyến đang diễn ra trên không gian mạng với nhiều hình thức lừa đảo đan xen, nhắm tới nhiều nhóm đối tượng.

Cảnh báo đã nhiều, xử lý sai phạm cũng không ít nhưng việc trục lợi từ bán thuốc chữa bệnh giả vẫn không chấm dứt, diễn biến ngày thêm phức tạp. Vì thế cần phải có những biện pháp mạnh tay để xử lý. Đặc biệt là đối với những đối tượng tự xưng là “thần y” để bán “thần dược” rởm, khiến người dân “tiền mất tật mang”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với 'thần y', 'thần dược'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO