Quốc tế

Canh tác hữu cơ “lên ngôi”

Hà Anh 11/04/2024 06:49

Trang trại của anh Ratna Raju bốc lên mùi hăng nồng bởi phân bón hữu cơ, nhưng đó là giải pháp mà anh cho rằng đang bảo vệ cây trồng khỏi thời tiết khắc nghiệt và khó lường do biến đổi khí hậu.

anhbaitren(9).jpg
Nông dân thu hoạch rau củ sạch ở Andhra Pradesh, Ấn Độ. Nguồn: AP.

Mùi hôi xuất phát từ hỗn hợp gồm: nước tiểu bò, đường thốt nốt và các vật liệu hữu cơ khác đóng vai trò làm phân bón, thuốc trừ sâu và rào cản thời tiết xấu cho ngô, gạo, rau lá xanh và các loại rau khác trong trang trại của anh Raju ở Guntur, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ. Các nông dân cho rằng, đối với khu vực thường xuyên bị lốc xoáy, nắng nóng cực độ tấn công, canh tác tự nhiên có khả năng bảo vệ cây trồng vì đất có thể giữ được nhiều nước hơn và bộ rễ khỏe hơn giúp cây chịu được gió mạnh.

Bang Andhra Pradesh đã trở thành một ví dụ tích cực về lợi ích của phương pháp canh tác tự nhiên. Những người ủng hộ cho rằng sự hỗ trợ tích cực của chính phủ chính là động lực chính cho sự thành công của bang.

Theo các chuyên gia, những phương pháp này nên được nhân rộng trên khắp các vùng nông nghiệp rộng lớn của Ấn Độ. Nhưng sự hỗ trợ nhỏ giọt của chính phủ đối với các phương pháp canh tác này buộc hầu hết nông dân vẫn phải sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, khiến họ dễ bị tổn thương hơn khi thời tiết khắc nghiệt xảy ra. Nhiều nông dân đang kêu gọi sự đầu tư lớn hơn của liên bang và tiểu bang để giúp các trang trại chuyển sang các biện pháp chống biến đổi khí hậu hiệu quả hơn.

Đối với nhiều người, lợi ích của việc đầu tư nhiều hơn vào canh tác tự nhiên đã quá rõ ràng. Vào tháng 12/2023, bão Michaung - một cơn bão di chuyển với tốc độ 110km/h đã mang theo lượng mưa lớn khắp bờ biển phía Đông Nam Ấn Độ, làm ngập lụt các thị trấn và cánh đồng. Đánh giá sơ bộ được tiến hành vài tuần sau đó cho thấy, 600.000 mẫu cây trồng đã bị phá hủy ở bang Andhra Pradesh.

Tuy nhiên, tại trang trại tự nhiên của anh Raju, nước mưa thấm xuống đất chỉ trong một ngày. Đất ở trang trại có thể hấp thụ nhiều nước hơn vì nó xốp hơn đất chứa nhiều thuốc trừ sâu, khô và giòn. Anh Raju cho biết, việc trồng các loại cây khác nhau quanh năm cũng giúp giữ cho đất khỏe mạnh hơn.

Cánh đồng của anh Srikanth Kanapala vốn phụ thuộc vào thuốc trừ sâu và phân bón hóa học đã bị ngập lụt suốt 4 ngày sau cơn bão trên. Việc chứng kiến trang trại của người hàng xóm Raju vững vàng trong bão khiến anh Kanapala tò mò về các phương pháp canh tác thay thế.

Theo ước tính của anh Kanapala, anh đã mất tới 600 USD do lốc xoáy - một khoản tiền đáng kể đối với một nông dân nhỏ ở Ấn Độ. “Trong vụ mùa tiếp theo, tôi cũng dự định sử dụng các phương pháp canh tác tự nhiên” - anh Kanapala nói.

Theo Rythu Sadhikara Samstha - một tổ chức phi lợi nhuận được chính phủ hỗ trợ ra mắt vào năm 2016 để thúc đẩy canh tác tự nhiên, các sáng kiến của chính quyền địa phương và liên bang đã thúc đẩy khoảng 700.000 nông dân chuyển sang canh tác tự nhiên. Chính quyền bang Andhra Pradesh hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho toàn bộ 6 triệu nông dân tiếp tục canh tác tự nhiên vào cuối thập kỷ này.

Bộ Nông nghiệp Ấn Độ - cơ quan đã chi 8 triệu USD để thúc đẩy canh tác tự nhiên, cho biết, nông dân canh tác trên gần một triệu mẫu đất trên khắp đất nước đã chuyển sang sử dụng phương pháp này. Vào tháng 3 năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ấn Độ cho biết, ông hy vọng ít nhất 25% trang trại trên khắp Ấn Độ sẽ sử dụng các kỹ thuật canh tác hữu cơ và tự nhiên.

Nhưng những nông dân như bà Meerabi Chunduru - một trong những người đầu tiên trong khu vực chuyển sang canh tác tự nhiên, cho biết, cần có thêm sự hỗ trợ của chính phủ. Bà Chunduru cho biết, bà chuyển sang làm quen với phương pháp mới sau khi sức khỏe của chồng bà suy giảm, nguyên nhân được cho là do tiếp xúc lâu dài với một số loại thuốc trừ sâu độc hại.

Các nhà hoạt động vì quyền lợi của nông dân cho biết, sự hoài nghi về canh tác tự nhiên của các nhà lãnh đạo, quan chức chính phủ và các nhà khoa học vẫn còn phổ biến vì họ vẫn tin tưởng vào các mô hình canh tác sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu để đạt năng suất tối đa. Trong ngắn hạn, các giải pháp thay thế bằng hóa chất có thể rẻ hơn và hiệu quả hơn, nhưng về lâu dài, chúng gây tổn hại đến sức khỏe của đất, nghĩa là cần một lượng lớn hóa chất hơn để duy trì cây trồng, gây ra một chu kỳ chi phí lớn hơn và đất nghèo dinh dưỡng hơn.

Ông NS Suresh - nhà khoa học nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học, Công nghệ và Chính sách, có trụ sở tại Bengaluru cho biết, việc thiếu các tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc gia hoặc chuỗi cung ứng khả thi mà nông dân có thể bán sản phẩm của mình thông qua đó cũng đang khiến nông nghiệp tự nhiên trở nên chưa thực sự phù hợp.

Nhưng theo các chuyên gia, phương pháp này giúp giữ cho cây trồng và đất khỏe mạnh trên nhiều loại đất khác nhau cũng như mọi loại điều kiện thời tiết khó lường nên nó mang lại lợi ích cho nông dân trên khắp Ấn Độ. Và việc trồng các loại cây trồng khác nhau quanh năm có nghĩa là nông dân có sản phẩm để thu hoạch vào bất kỳ thời điểm nào, giúp tăng thêm đất đai và thu nhập của họ.

Bà Kavitha Kuruganti - một nhà hoạt động ủng hộ các biện pháp canh tác bền vững trong gần 3 thập kỷ, cho biết: “Chính phủ Ấn Độ chi ít hơn 3% tổng ngân sách cho nông nghiệp. Nước này đã dành gần 20 tỷ USD trợ cấp cho phân bón trong năm nay, nhưng chỉ có 55 triệu USD được phân bổ để khuyến khích canh tác tự nhiên”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Canh tác hữu cơ “lên ngôi”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO