Cuối tháng 4, đầu tháng 5 là thời điểm sâu bệnh gây hại trên cây lúa nhiều nhất. Ngành nông nghiệp Hà Nội đang tập trung các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với bà con nông dân.
Ngành nông nghiệp Hà Nội cho biết, vụ Xuân 2024, toàn thành phố gieo cấy gần 81.000ha lúa, trong đó, hơn 65% là các giống lúa năng suất, chất lượng cao. Hiện, các trà lúa sớm đã làm đòng, trỗ bông. Các trà lúa muộn bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, phân hóa đòng.
Hiện các trà lúa đang sinh trưởng, phát triển bình thường. Mặc dù vậy, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp Thủ đô, đây cũng là thời điểm nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi các loại sinh vật gây hại, đặc biệt là hai bệnh đạo ôn và khô vằn.
Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, hiện nay bệnh đạo ôn đang gây hại phổ biến trên những diện tích canh tác giống lúa J02, BC15, nếp thơm, TBR225… Diện tích bị nhiễm đạo ôn vào khoảng 600ha, trong đó có khoảng 10ha bị nhiễm nặng, chủ yếu tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thạch Thất…
Ngoài bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn cũng đang phát sinh, gây hại cục bộ trên những diện tích lúa xanh tốt, thừa đạm. Diện tích bị nhiễm bệnh khô vằn hiện nay ước thống kê vào khoảng 200ha (chủ yếu là nhiễm bệnh nhẹ).
Thời gian tới, thời tiết tiếp tục ấm, ẩm, xen kẽ các đợt không khí lạnh kèm theo mưa. Đây là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sinh vật phát sinh, gây hại trên diện rộng nếu không được phòng trừ kịp thời. Đáng chú ý, ngoài hai bệnh đạo ôn và khô vằn, nguy cơ sẽ phát sinh thêm một số loại sâu bệnh khác như sâu cuốn lá nhỏ, bọ rầy, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh đen lép hạt…
Năng suất, chất lượng lúa vụ Xuân là vấn đề đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm nguồn cung lương thực cho hơn 10 triệu người dân hiện đang cư trú trên địa bàn Thủ đô. Chính vì vậy, công tác phòng, chống sâu bệnh hại lúa trong giai đoạn cao điểm này được xem là ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, từ đầu vụ Xuân, nhất là giai đoạn từ giữa tháng 4 đến nay, đơn vị đã phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến sâu bệnh; từ đó hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại, không để lây lan diện rộng.
“Biện pháp phòng trừ quan trọng hiện nay là chăm sóc, bón phân lúa trà trung và trà muộn cân đối, đúng thời điểm để lúa sinh trưởng tốt và tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Cần đặc biệt lưu ý những diện tích lúa giai đoạn đòng già, chuẩn bị trỗ, các giống nhiễm, ổ dịch cũ và những diện tích bón thừa đạm…” – đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội khuyến cáo.
Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, vụ Xuân là vụ mùa quan trọng nhất trong năm. Chính vì vậy, việc bảo đảm chăm sóc tốt cho cây lúa là nhiệm vụ đòi hỏi cần có sự phối hợp của UBND các quận, huyện, thị xã, nhất là trong phân công cán bộ các phòng, ban chuyên môn bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện và tổ chức phòng trừ sâu bệnh.
Ông Phương cũng đề nghị Thanh tra Sở NNPTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tiếp tục tăng cường kiểm tra việc sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trong lưu hành vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, để bảo vệ mùa màng, tránh thiệt hại cho bà con nông dân.
Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, bà con nông dân sử dụng thuốc đúng nồng độ và liều lượng ghi trên bao bì. Đối với những diện tích lúa đã trổ bông nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát.