Mùa khô hạn năm nay Sóc Trăng là tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tình trạng lúa bị ảnh hưởng năng suất và chết do hạn gay gắt và mặn xâm nhập. Trước đó, dù ngành chức năng đã khuyến cáo nhưng nhiều nông dân vẫn xuống giống vụ 3. Khi lúa đang trong giai đoạn trổ bông thì hạn mặn bủa vây, lúa cứ khô héo dần…
Liều bơm nước mặn để cứu lúa
Hai bên đường tỉnh lộ 934B từ thành phố Sóc Trăng về huyện Trần Đề, xen lẫn những cánh đồng cỏ khô là những ruộng lúa gần tới ngày thu hoạch nhưng giờ xác xơ, vàng cháy lá. Hỏi chuyện bà con thì được biết, với hy vọng “còn nước còn tát” nên nhiều người đánh liều bơm nước mặn vào đồng. Thế nhưng, không những không cứu được mà còn thiệt hại nặng hơn, lúa cháy khô rồi chết dần trong sự xót xa của người nông dân.
Dẫn chúng tôi đến ruộng lúa đang trong giai đoạn trổ bông giờ đang khô héo, chết dần chết mòn, ông Thạch Đang, ở ấp Tú Điền (xã Đại Ân, huyện Trần Đề) rầu rĩ cho biết, khu vực này ngành chức năng khuyến cáo không trồng lúa vụ 3. Thế nhưng thời gian qua do giá lúa tăng, tiếc của, tôi và nhiều bà con vẫn đánh liều xuống giống với hy vọng được chút nào hay chút đó. Khi 5ha lúa đang vào giai đoạn làm đòng trổ chín thì thiếu nước nghiêm trọng.
“Khô hạn trúng giai đoạn trổ đòng nên hạt lúa không thể ngậm sữa. Nước ngọt không vô được mà nước nhiễm mặn thì bao vây. Thối rễ nên gốc lúa đen, cả ruộng chỉ toàn lúa lép. Vụ này coi như mất trắng. Thu hoạch nhiều lắm chắc được khoảng 4 đến 5 bao lúa mà toàn là hạt lép thôi. Đầu tư vụ này hơn 100 triệu đồng. Thua lỗ nặng” - ông Đang than thở.
Tuy nhiên, không chỉ riêng gia đình ông Đang, cả cánh đồng hàng trăm ở đây đều như vậy.
Nhìn đám lúa cháy khô héo dưới trời nắng gắt, anh Đào Nâu (ấp Tú Điền, xã Đại Ân, huyện Trần Đề) không khỏi xót xa cho biết, lúc đầu lúa cũng phát triển tốt lắm, nhưng tới giai đoạn lúa trổ đòng, thiếu nước chúng tôi đánh liều bơm vô rồi xả ra ngay, ai ngờ nhiễm mặn lúa chết nhanh vậy.
“Nhìn chân lúa có nước vậy chứ mặn chát. Chưa bao giờ tôi thấy cảnh hạn hán, nắng nóng khắc nghiệt như lúc này, đa số các diện tích lúa sau khi gieo sạ tới tới lúc trổ bông đều rơi vào cảnh chết dần, chết mòn. Bao nhiêu công sức gieo trồng, chăm bón trong nhiều tháng trời đổ xuống sông xuống biển. Mùa này coi như mất trắng rồi anh ơi” - anh Nâu chua xót nói và cho biết thêm, vụ này mỗi công lúa anh lỗ khoảng 700 đến 800 nghìn đồng.
Cũng như hàng trăm ha lúa ở xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, nhiều diện tích lúa vụ 3 của nông dân ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cũng bị khô cháy vì hạn mặn.
Nhìn những bông lúa yếu ớt, vàng úa trên cánh đồng khô nứt nẻ, ông Lâm Tài ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, thẫn thờ cho biết, nhiều ngày qua gia đình phải chạy đôn chạy đáo mua máy bơm, đào mương tạm để bơm từ 2 ao nước ngọt tích trữ cuối cùng trong vườn ra ruộng, với hy vọng cứu được trên 1 ha lúa đã sạ hơn 2 tháng. Thế nhưng, lượng nước tưới vẫn không thấm vào đâu, lúa bắt đầu cháy lá do nắng hạn.
“Nóng ruột quá nên tôi chạy đi mua dầu rồi về bơm nước cứu lúa, nhưng thua rồi, lúa đang chết dần ngoài đồng” - ông Tài thở dài. Cạnh ruộng lúa của ông Tài, ruộng lúa của nhiều nông dân khác cũng héo dần, cháy lá, khô thân.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, mùa khô hạn năm nay ngoài việc thiếu nước ở một số tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long khiến hơn 500.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, thì Sóc Trăng là địa phương duy nhất trong vùng có tình trạng lúa bị ảnh hưởng năng suất và chết do hạn gay gắt và bị mặn xâm nhập.
Hơn 1.000ha lúa bị ngộ độc phèn, mặn
Ông Lâm Văn Vũ - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết, toàn huyện có hơn 1.000ha lúa bị ngộ độc phèn, mặn, trong đó có hơn 280 ha mất trắng. “Những ngày qua ngành chức năng đang tích cực điều tiết nước ngọt ở những nơi có điều kiện về đây cứu lúa cho bà con. Đến nay, tình hình thiếu nước tưới đã được cải thiện nhưng năng suất lúa giảm rất nhiều” - ông Vũ thông tin và cho biết, hệ thống thủy lợi của địa phương chỉ trữ nước ngọt được trong 15 - 20 ngày, nhưng 2 tháng qua không có mưa làm độ mặn lên rất cao.
Còn ông Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho hay, dù ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều văn bản khuyến cáo bà con không xuống giống vụ 3 do nắm được dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo tình trạng hạn hán. Tuy nhiên, thấy giá lúa ở mức cao, nên nhiều nông dân bất chấp khuyến cáo “xé rào” xuống giống vụ 3 năm nay.
Tại huyện Trần Đề, 512ha xuống giống thì hiện có đến 315ha bị ảnh hưởng do hạn, xâm nhập mặn. Còn tại huyện Long Phú xuống giống hơn 6.030ha, trong đó diện tích bị ảnh hưởng thiếu nước, xâm nhập mặn hơn 1.050ha. Những ngày qua, địa phương tích cực điều tiết nước ngọt từ cống Bà Sảnh về nên tình hình cũng được cải thiện hơn.
“Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục theo dõi về tình hình diễn biến xâm nhập mặn, phân công cán bộ thuỷ nông trực 24/24 khi có nước ngọt về sẽ lấy nước tích trữ cho bà con nông dân. Ngành bảo vệ thực vật phân công cán bộ tăng cường thăm đồng, giám sát đồng ruộng, khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng, chống hạn mặn. Vận động chia sẻ nguồn nước ngọt...” - ông Nghi chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có diện tích vụ Đông Xuân muộn (lúa vụ 3) ngoài kế hoạch gần 7.000ha, trong đó hơn 1.400ha lúa bị ảnh hưởng hạn mặn. Nắng hạn gay gắt kéo dài cũng dẫn đến nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho khoảng 6.500 hộ khu vực ven biển thuộc các huyện Trần Đề, Long Phú, thị xã Vĩnh Châu…
Theo dự báo, tại Đồng bằng sông Cửu Long, từ ngày 20/4 trở đi một số tỉnh sẽ có những cơn mưa trái mùa nhưng không liên tục, cung cấp một lượng nước không đáng kể. Mùa mưa năm nay đến muộn so với mọi năm (khoảng 10 - 15 ngày). Từ ngày 10 đến 15/5 mới bắt đầu có những cơn mưa dài hơn và lúc đó tình hình hạn hán mới được khắc phục. Khoảng ngày 20/5 trở đi, mùa mưa mới chính thức bắt đầu.