Vấn đề công chức nhũng nhiễu, làm khó cần được nhìn nhận ở hai khía cạnh. Một là đạo đức công vụ. Và hai là thủ tục hành chính. Khi xếp loại công chức hàng năm mà vẫn thấy khó khi đưa ra đánh giá một người cụ thể đối với những tiêu chí không có trong barem thì sự việc vẫn không biến chuyển. Và đặc biệt, khi thủ tục hành chính vẫn dày đặc thì vẫn sẽ còn tình trạng “cáo mượn oai hùm” để nhũng nhiễu, trục lợi.
Nhiều thủ tục hải quan đã được rút gọn
theo chủ trương cải cách thủ tục hành chính.
Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/8/2015. Nghị định liên quan chặt chẽ tới đạo đức công vụ, thủ tục hành chính. Theo đó, việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được tổ chức vào tháng 12 hàng năm. Công chức có hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực, tham nhũng, tham ô, lãng phí sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
Nạn cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà có thể ví như một căn bệnh trầm kha. Người ta còn nói rằng, điều đó như một đặc điểm của công chức. Người xưa từng dặn, “dễ người dễ ta, khó người khó ta” nhưng mấy ai nghĩ tới điều đó, cũng lại rất ít người thực hiện điều đó. Làm khó được ai là làm khó ngay, có dịp là lập tức làm khó. Có người nào cần nhờ việc gì đó là ra bộ quan trọng, đẩy vấn đề đến chỗ phức tạp khó khăn. Cốt là tự nâng vai trò của mình lên, khiến người khác phụ thuộc vào mình, phải biết ơn mình. Kế đó là để trục lợi. Anh muốn được việc của anh chứ gì, thế thì anh phải biết điều. Mà cái từ “biết điều” thì nhiều nghĩa lắm.
Cửa quyền, hách dịch là căn bệnh thuộc về đạo đức công vụ. Nó làm xấu hình ảnh công chức, những người lẽ ra phải tự biết mình là công bộc của dân, “làm ngựa cho cháu bé nhi đồng”- như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Đây lại ở tình thế ngược lại, đã không tận tụy phục vụ cho đúng bổn phận, trách nhiệm, cho xứng với đồng lương được nhận - mà lại quay lại hoạnh họe người khác. Có việc người ta mới phải gặp anh, trình bày với anh. Đã không nhanh chóng giúp người ta thì chớ, lại lên mặt kẻ cả, “cò quay”, nhũng nhiễu.
Tiếc thay, tới nay, thái độ ấy vẫn tồn tại một cách đương nhiên ở không ít người. Nó thuộc về đạo đức nên cũng khó mang ra mà xử. Nếu anh tham ô một vài triệu đồng, hay là làm hỏng một việc gì đó thì dễ thấy và cũng đã có “khung” để xử lý. Đằng này, nếu anh hách dịch, ngáng trở công việc, gây khó dễ cho người khác thì lại không có khung nào để “định tội” cả. Để vạch ra được tính xấu ấy, cần có sự nghiêm túc, thẳng thắn của những người cùng làm trong một đơn vị. Và nay theo tinh thần của Nghị định 56/2015/NĐ-CP thì sẽ bị đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ”, như với tội tham ô, tham nhũng, lãng phí mà Nghị định đã nêu.
Trước nay, barem bình xét thi đua hàng năm không thấy nói đến chuyện này. Nay thì đã nói đến và quy định hẳn hoi. Đó là một bước tiến mới, tuy rằng để thực hiện có hiệu quả không phải chuyện dễ. Nhất là khi người cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà lại có vai vế trong đơn vị. Ai đó mạnh dạn góp ý thì lại bị vặn ngay: Bằng chứng đâu? Rồi thì “găm” lại ngấm ngầm tìm cách hại người. “Đấu tranh tránh đâu”- câu nói mang tính đúc kết kinh nghiệm thật đau lòng.
Trong vấn đề luân lý, luật pháp rồi đến đạo đức thì những gì thuộc về phạm trù đạo đức là khó vạch ra hơn cả. Vì thế mới cần đến sự mạnh dạn, thẳng thắn. Công cuộc cải cách hành chính trong đó nội dung rất quan trọng là đạo đức công vụ cần nhấn mạnh hơn, quyết liệt hơn vấn đề này, từ đó mới hy vọng sự thay đổi triệt để, không còn mang tính hình thức.
Ở khía cạnh khác, việc ai đó “có cửa” hách dịch, gây khó khăn, phiền hà cho người khác còn do một nền hành chính nhiêu khê, phức tạp. Quá nhiều văn bản, quy định, thủ tục giấy tờ khiến người nào vướng vào chuyện đó muốn thoát ra thì khó không khác gì phải vượt qua ma trận. Không ít người đã lợi dụng tình thế đó để làm khó người khác. Đến cửa nào cũng bị làm khó, khiến người ta phải tìm cách “bôi trơn”, phải thủ sẵn một khoản gọi là “tiêu cực phí”. Vì thế, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ, giảm bớt các quy định theo lối tầng nấc là hết sức quan trọng. Để cho ai đó muốn nhũng nhiễu cũng khó vin vào.
Việc triển khai giải quyết thủ tục hành chính “một cửa một dấu” đã có thời khá rầm rộ, được xã hội trông đợi, hy vọng. Nhưng rồi theo thời gian, nó cứ lắng dần, nguội đi. Giấy phép con nói rằng phải bãi bỏ nhưng vẫn còn đó, thậm chí có nơi còn hội thảo để thống nhất ý kiến “đẻ” thêm giấy phép con. Có cái giấy phép ấy là có thêm công cụ quyền lực trong tay, thêm cơ hội hợp pháp để làm khó.
Có thể nêu một dẫn chứng: Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, sau khi Quốc hội sửa đổi 6 Luật, Chính phủ sửa 4 Nghị định và Bộ Tài chính sửa 7 Thông tư, tính đến 1/1/2015 số giờ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về thuế đã giảm được 370 giờ - từ 537 giờ xuống 167 giờ/năm. Như vậy là nếu quyết liệt làm thì thủ tục sẽ giảm đi rất nhiều mà “không chết ai”.
Nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2015 thì vướng mắc trong cải cách thủ tục hành chính chủ yếu là do chính quy định của chúng ta. Vì thế việc tháo gỡ cũng phải do chúng ta. Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh thì thẳng thắn đặt vấn đề phải kiểm soát thủ tục từ đầu ra, tức là từ khi các văn bản đặt ra thủ tục, bên cạnh việc rà soát, cắt giảm. “Có khi anh em trình Thông tư lên, tôi đọc lại thì thấy đặt thêm quá nhiều thủ tục, mà cái nào nghe cũng hợp lý. Nhưng chúng ta phải thay đổi tư duy”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Một ví dụ khác, theo bà Đặng Bình An- Chuyên gia tư vấn của Dự án Quản trị nhà nước USAID GIG, nếu thời gian làm các thủ tục xuất nhập khẩu trong hải quan giảm được một ngày, các doanh nghiệp sẽ giảm được 1,6 tỉ USD chi phí mỗi năm. Vì thế, khi thủ tục hải quan giảm từ 21 ngày còn 14 ngày cho xuất khẩu và 13 ngày cho nhập khẩu theo Thông tư 119 của Bộ Tài chính thì con số tiết kiệm sẽ lớn hơn rất nhiều.
Còn ông Olin McGill- Chuyên gia tư vấn và nâng hạng môi trường kinh doanh cho rằng, Việt Nam đang yêu cầu tới 5 loại chứng từ để xuất khẩu hàng hóa, trong khi nhiều nước chỉ yêu cầu 2. Thời gian cần để hoàn thành thủ tục xuất khẩu của Việt Nam lên tới 21 ngày, trong khi Indonesia chỉ cần 17 ngày, Malaysia 11 ngày, Thái Lan 14 ngày.
Trở lại vấn đề công chức nhũng nhiễu, làm khó cần được nhìn nhận ở hai khía cạnh. Một là đạo đức công vụ. Và hai là thủ tục hành chính. Khi xếp loại công chức hàng năm mà vẫn thấy khó khi đưa ra đánh giá một người cụ thể đối với những tiêu chí không có trong barem thì sự việc vẫn không biến chuyển. Và đặc biệt, khi thủ tục hành chính vẫn dày đặc thì vẫn sẽ còn tình trạng “cáo mượn oai hùm” để nhũng nhiễu, trục lợi.