Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký, gửi tới Quốc hội (để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 sẽ bắt đầu vào tuần tới) báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam với nhiều thông tin cập nhật về các dự án thành phần sau quyết định huỷ bỏ sơ tuyển nhà đầu tư bằng đấu thầu quốc tế.
Theo báo cáo, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, trong đó gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án; 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Tháng 2/2020 dự kiến hoàn thành sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án này.
Việc chọn nhà đầu tư với 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức PPP là vấn đề được dư luận quan tâm.
Huỷ đấu thấu quốc tế, tiến độ 8 dự án chậm lại 3 tháng
Sau quyết định dừng đấu thầu quốc tế vừa qua, việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần của cao tốc là vấn đề xã hội rất quan tâm.
Với 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Thể cho biết, dự án Cao Bồ - Mai Sơn đang tổ chức đấu thầu gói thầu đầu tiên để có thể khởi công khoảng tháng 10/2019. Dự án Cam Lộ - La Sơn đã khởi công xây dựng 2 gói thầu vào ngày 16/9/2019 và 9 gói thầu còn lại đang chuẩn bị đấu thầu, dự kiến triển khai thi công trong quý 4/2019.
Cầu Mỹ Thuận 2 đang hoàn thiện hồ sơ mời thầu, dự kiến tổ chức đấu thầu từ tháng 10/2019 và khởi công xây dựng phần đường dẫn và cầu dẫn trong quý 4/ 2019.
Đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, báo cáo nêu nhiều thông tin về quá trình sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và những khó khăn dẫn đến việc ngày 14/9/2019 Bộ trưởng Bộ GTVT đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Ngày 10/10/2019, Bộ Giao thông vận tải đã thông báo mời sơ tuyển và dự kiến hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư khoảng tháng 2/2020. Trường hợp thuận lợi có thể hoàn thành công tác đấu thầu nhà đầu tư khoảng tháng 11/2020.
Báo cáo cũng nêu thực tế, đến nay tiến độ của các dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước cơ bản bảo đảm, riêng các dự án đầu tư theo hình thức PPP sẽ phải kéo dài thêm khoảng 3 tháng.
Vốn đầu tư: Ngân hàng huy động ngắn hạn cho vay dài hạn
Về kế hoạch giải ngân vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng nguồn vốn đã bố trí theo nghị quyết của Quốc hội là 55.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 27.306 tỷ đồng để thực hiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng 11 dự án và xây dựng 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước. 27.694 tỷ đồng hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cho 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP để đảm bảo tính khả thi.
Năm 2018, nhà nước đã giải ngân 142,141 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư. Năm 2019 tính đến tháng 9, toàn bộ các dự án thành phần đã giải ngân được 988,015 tỷ đồng. Năm 2020 dự kiến giải ngân khoảng 11.037 tỷ đồng.
Đối với số vốn còn lại khoảng 36.759 tỷ đồng, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng phương án xử lý, hiện nay Thủ tướng đang giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền phù hợp với quy định pháp luật và nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.
Nêu một số khó khăn, vướng mắc, Bộ trưởng Thể cho biết, việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, hình thức chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn.
Trong khi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm dần còn 40% từ ngày 1/1/2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tới.
Theo báo cáo, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng cho dự án, Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp phù hợp bảo đảm cung cấp đủ các nguồn vốn đáp ứng việc triển khai dự án.