Giao thông

'Cao tốc nước' cho vùng ven biển

Thanh Tiến 04/12/2023 08:18

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khả năng đến sớm và gay gắt hơn trong mùa khô 2023-2024. Việc phòng chống hạn mặn đang được các địa phương khẩn trương triển khai, trong đó có ý kiến đề xuất “cao tốc nước” cho vùng ven biển.

anh-to-bai-tren.jpg
Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Thành Tiến.

Hạn mặn đến sớm

Nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, thời gian xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có thể xuất hiện từ tháng 12/2023. Trong đó xâm nhập mặn cao tập trung trong tháng 2,3/2024. Riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn xâm nhập mặn cao tập trung vào tháng 3,4,5/2024. Chiều sâu xâm nhập mặn (4g/l) tại sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có khả năng vào sâu từ 85-100km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại có khả năng vào sâu từ 45-55km; sông Hàm Luông có khả năng vào sâu từ 62-70km, sông Cổ Chiên, sông Hậu vào sâu từ 55-60km; sông Cái Lớn có khả năng vào sâu từ 55-62km.

Từ dự báo trên, Cục Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hạn mặn dẫn đến nguy cơ xảy ra thiếu nước cho khoảng 56.260ha lúa (Long An 4.460ha, Tiền Giang 8.800ha, Bến Tre 8.000ha, Trà Vinh 15.000ha và tỉnh Sóc Trăng 20.000ha). Đồng thời, có khoảng 43.300ha vùng chuyên canh cây ăn trái, thuộc Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, hạn mặn sẽ gây nguy cơ thiếu nước sinh hoạt của các hộ dân sống phân tán và công trình cấp nước tập trung khai thác nước mặt khu vực ven biển thuộc các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre; huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; các huyện Kế Sách, Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng; các huyện U Minh Thượng, Hòn Đất của tỉnh Kiên Giang; các huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Thới Bình, Phú Tân, Ngọc Hiển, U Minh, Năm Căn của tỉnh Cà Mau; các huyện Hòa Bình, Vĩnh Long, Phước Long, Giá Rai của tỉnh Bạc Liêu và các huyện Cần Đước, Cần Giuộc của tỉnh Long An.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, các địa phương cần rà soát tối đa, chi tiết các địa bàn có thể bị ảnh hưởng để không có hộ dân nào thiếu nước ngọt sinh hoạt, không có cơ sở nào thiếu nước sản xuất; đảm bảo tuyệt đối không để diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng. Đối với sản xuất lúa, ngoài việc gieo trồng sớm né mặn thì có một số vùng sẽ dùng giống lúa chịu được mặn; một số vùng có thể chuyển đổi cây trồng khác.

Vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, vùng ĐBSCL sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha với sản lượng dự kiến hơn 10 triệu tấn lúa. Theo nhận định từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, khả năng El Nino kéo dài đến hết năm 2023 và sang đầu năm 2024, vì vậy, một số địa phương sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn, khô hạn có khả năng gây ảnh hưởng cho các vùng cách biển từ 30km đến 70 km.

Cần có “cao tốc nước”

Ông Tăng Đức Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam cho biết, các địa phương ven biển ĐBSCL, năm nào cũng xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt. Trong khi đó, khu vực này được cho là vùng kinh tế phát triển rất tốt, đa dạng các hoạt động sản xuất. Vì vậy, theo ông Thắng, để giải quyết câu chuyện nước cho vùng này cần phải có những tuyến chuyển nước.

“Chúng tôi đã nghiên cứu sơ bộ, cần phải có những tuyến chuyển nước, tạm gọi là “cao tốc nước” để đưa nước từ đầu hệ thống đến cuối hệ thống nhằm giải quyết trong thời gian rất ngắn tình trạng thiếu nước ngọt. Tận dụng hệ thống sẵn có của những công trình để đẩy nước từ vùng ngọt xuống vùng ven biển để chủ động hoàn toàn cho khu vực này” - ông Thắng nói.

Liên quan vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đây là vấn đề đã được Bộ đặt ra và đã đưa vào quy hoạch.

“Sau khi làm công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé thì giai đoạn tiếp theo của công trình là chuyển nước về cho Cà Mau, Bạc Liêu. Giải pháp chuyển nước ngọt là phải làm nhưng phải tính toán thật kỹ. Một là không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái ở các vùng xung quanh, hai là giá thành phải phù hợp” - ông Hiệp nói và cho rằng, hạn mặn ở ĐBSCL cứ lặp đi lặp lại hàng năm nên về lâu dài cần phải xây dựng quy trình xử lý hạn mặn.

“Phải chuyên nghiệp hoá và phải cho đó là vấn đề bình thường để xử lý. Quan điểm của chúng tôi là thuận thiên, tức là thích nghi có kiểm soát. Có thể sắp tới, Bộ NNPTNT sẽ cùng với các địa phương đề xuất Chính phủ làm thêm một số cống ngăn mặn ở các cửa sông lớn như Hàm Luông, Cổ Chiên để có phần bao ngoài tốt hơn. Như vậy sẽ kiểm soát rộng hơn và sẽ đảm bảo lâu dài và bền vững cho ĐBSCL.

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng lưu ý, các công trình phải kiểm soát ranh mặn - ngọt hợp lý và ranh mặn - ngọt này phải ở mức gần cố định để các địa phương chủ động trong sản xuất. Các công trình ngoài kiểm soát ranh mặn - ngọt còn phải đảm bảo hỗ trợ bảo vệ môi trường, phòng chống sụt lún, phòng chống ngập lụt do triều cường.

anh-theo-box-bai-tren.jpg

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, năm 2023-2024, hạn mặn ở ĐBSCL có 2 đặc điểm. Thứ nhất, mùa khô này là một trong những mùa khô ít nước. Vì ít nước nên khả năng xâm nhập mặn cao hơn, thời điểm xâm nhập mặn sớm hơn và thời gian xâm nhập mặn cũng có thể dài hơn trung bình nhiều năm. Thứ hai, năm nay xâm nhập mặn sẽ cao, khả năng cao hơn trung bình trung nhiều năm từ 7 đến 25km, tùy từng khúc sông, đoạn sông. Tuy nhiên, xâm nhập mặn có cao thì cũng khó có thể cao như 2015-2016 và đặc biệt không cao bằng 2019-2020, chỉ tương đương như năm 2021-2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Cao tốc nước' cho vùng ven biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO