Vừa qua, đã diễn ra lễ hợp long cầu Mỹ Thuận 2 nối Tiền Giang và Vĩnh Long, cây cầu quan trọng bậc nhất trong trục đường cao tốc Bắc - Nam ở khu vực phía Nam. Dù chỉ dài khoảng gần 7km (gồm cả đường dẫn) nhưng cầu Mỹ Thuận 2 có vai trò rất quan trọng bởi nó sẽ giúp hoàn thiện tuyến đường cao tốc nối TPHCM và TP Cần Thơ, 2 trung tâm lớn nhất của khu vực.
Với nguồn vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, cầu Mỹ Thuận 2 là công trình hiếm hoi có tiến độ thi công vượt kế hoạch đề ra. Sau khi hợp long, cầu dự kiến sẽ được đưa vào khai thác ngay ở thời điểm cuối năm 2023 này, giúp cho giao thông thuận tiện hơn, giảm áp lực cho cầu Mỹ Thuận hiện đang thường xuyên ùn tắc kẹt xe.
Ngoài cầu Mỹ Thuận 2, đoạn đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nằm trên địa phận tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ với chiều dài 23km cũng đang gấp rút hoàn thành. Theo chủ đầu tư, dự án này đã hoàn thành khoảng 75% khối lượng công việc và dự kiến cũng sẽ đưa vào khai thác ở thời điểm cuối năm 2023. Như vậy, chỉ ít tháng nữa, trục đường bộ cao tốc từ TPHCM đi TP Cần Thơ sẽ được đưa vào khai thác sử dụng, rút ngắn rất nhiều thời gian di chuyển giữa ở thành phố quan trọng này. Với khoảng cách khoảng 150km, di chuyển bằng đường bộ cao tốc từ TPHCM đi Cần Thơ sẽ chỉ mất khoảng gần 2 giờ đồng hồ, thay vì 4 giờ đồng hồ di chuyển theo quốc lộ 1A.
Ngoài trục đường cao tốc từ TPHCM đi Cần Thơ, khu vực phía Nam cũng chuẩn bị hoàn thành thêm một đoạn đường cao tốc quan trọng khác thuộc trục Bắc - Nam là đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó giám đốc Ban quản lý dự án 85 (thuộc Bộ GTVT), chủ đầu tư dự án, hiện các đơn vị đang chạy nước rút để thi công cho kịp mục tiêu hoàn thành vào cuối tháng 4/2024. Ông Tuấn cho biết, dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo nằm trên địa bàn 3 tỉnh (Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà) sẽ nối với tuyến cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo hiện hữu. Dự án có tổng vốn đầu tư là 7.600 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe và vận tốc tối đa là 80km/h. Khi hoàn thành, dự án sẽ tạo thành một trục đường cao tốc dài hơn 400km nối liền từ TPHCM đi Nha Trang.
Đại diện tập đoàn Đèo Cả, đơn vị thi công dự án cho biết, ngay trong tháng 12 này có thể thông xe khoảng 21km của dự án, nằm từ km92+260 tới km113. Hiện dự án đang được gấp rút thi công với 1.600 kỹ sư công nhân cùng hơn 600 thiết bị máy móc. Tập đoàn chia ra tổng số 74 mũi thi công với 29 mũi thi công đường, 27 mũi thi công cầu, 14 mũi thi công hầm và 4 mũi thi công an toàn giao thông, cơ điện. Một số hạng mục quan trọng như hầm Núi Vung ở nhánh trái và phải đều đã hoàn thành 100% khối lượng công việc. Việc hoàn thành đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ giúp nối liền trục đường cao tốc từ TPHCM - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo với đoạn Cam Lâm - Nha Trang hiện hữu.