Hàng loạt tuyến cao tốc ở khu vực phía Nam được khởi công, tạo tín hiệu tích cực kích thích phát triển giao thông, kinh tế, du lịch cho nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên, hệ thống đường bộ cao tốc ở phía Nam vẫn tồn tại nhiều nút thắt, chưa đồng bộ giữa các tuyến. Vì vậy, việc mở rộng sau một thời gian khai thác là yêu cầu cấp bách của nhiều đoạn đường cao tốc.
Là tuyến đường nối liền TPHCM và TP Cần Thơ, hai trung tâm lớn nhất phía Nam, đoạn cao tốc TPHCM tới Trung Lương chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, thường xuyên xảy ra ùn tắc dịp lễ Tết, cuối tuần. Trong đó đoạn nút giao Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TPHCM) thường xuyên xảy ra ùn tắc cả 2 chiều ra/vào dù không thu phí. Tài xế Nguyễn Văn Toản, 36 tuổi cho biết, anh thường xuyên di chuyển trên cao tốc TPHCM - Trung Lương. “Tôi ở Bến Tre, mỗi tuần chở trái cây lên chợ Bình Điền (TPHCM) 2 lần nên biết đoạn đầu cao tốc ở Bình Chánh rất hay ùn tắc. Chiều nào cũng tắc” - anh Toản nói.
Là tuyến cao tốc đầu tiên được đưa vào sử dụng ở phía Nam, sau hơn 10 năm cao tốc TPHCM - Trung Lương đã quá tải, dù được thiết kế chuẩn với 4 làn xe và 1 làn khẩn cấp. Vì vậy, việc mở rộng đoạn cao tốc từ TPHCM đi Trung Lương là cần thiết do lưu lượng phương tiện lớn.
Ông Trần Thiện Trúc - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An cho biết, trung bình mỗi ngày tuyến cao tốc này có khoảng 50.000 lượt phương tiện đi qua. Thậm chí thống kê ở quý I/2023, lượng phương tiện tại 2 nút TPHCM và Trung Lương là 80.000 xe. Với thiết kế hiện nay, lượng phương tiện trên khiến cao tốc luôn quá tải. Cũng theo ông Trúc, việc mở rộng đoạn cao tốc từ TPHCM đi Trung Lương là cần thiết bởi nhu cầu giao thông đang tăng rất nhanh.
Ở chiều ngược lại, có nhu cầu còn lớn hơn là cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Dù mới được đưa vào sử dụng khoảng 7 năm nhưng cao tốc này cũng đang ở tình trạng quá tải trầm trọng. Trong đó đoạn từ Long Thành tới TPHCM dài khoảng 20km có áp lực giao thông rất lớn, thường xuyên ùn tắc ở cả 2 chiều. Ngoài ra, khoảng 4km đường dẫn vào cao tốc từ nút giao An Phú (TP Thủ Đức) cũng thường xuyên bị ùn tắc ở chiều ra. Khi mới đưa vào khai thác, đây là đoạn đường thiết kế dành cho phương tiện ô tô đi trên cao tốc nhưng khoảng 5 năm trước, đoạn đường này được “chia sẻ” cho cả phương tiện xe gắn máy (có rải phân cách cứng) nhằm giảm áp lực cho một số tuyến đường ở TP Thủ Đức. Hiện nay, TPHCM đang xin chủ trương mở rộng đoạn đường này, cùng với đoạn cao tốc từ TPHCM đi Long Thành (Đồng Nai). Nhiều ý kiến cho rằng, với lưu lượng phương tiện tăng nhanh và việc cao tốc được nối dài, áp lực cho đoạn từ TPHCM đi Long Thành là rất lớn. Hiện đoạn này được thiết kế với quy mô 4 làn xe và 2 làn khẩn cấp. Và nhu cầu thực tiễn cần phải mở rộng lên 8 hoặc 10 làn xe.
Dù không cấp bách như 2 đoạn trên nhưng do cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận hiện chỉ có 4 làn xe, không có làn khẩn cấp khiến cho việc các phương tiện di chuyển với tốc độ thấp và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Việc mở rộng tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận với quy mô và thời gian thế nào cho hợp lý cũng rất cần thiết bởi thông thường phải mất khoảng 3-4 năm thi công từ khi kế hoạch chính thức được triển khai.