Kinh tế

Cấp bách phát triển thương hiệu nông sản

Lê Bảo 15/03/2024 09:30

Mặc dù đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu nhưng 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

lua.jpg
Lúa thảo dược được sản xuất tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - một sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích. Ảnh: Trần Thụ.

Lợi nhuận tăng nhờ xây dựng thương hiệu

Nhằm nâng cao giá trị cho hạt gạo từ năm 2015 Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, Chương Mỹ, Hà Nội đã tiên phong liên kết với các nông hộ để phát triển mô hình lúa gạo chất lượng cao. Theo đó các thành viên của HTX đã tuân thủ tốt các quy định của sản xuất hữu cơ như ghi chép đầy đủ thông tin về cách thức chăm sóc vào nhật ký. Minh bạch mọi công đoạn của hạt gạo từ hệ thống camera quan sát trên đồng ruộng đến quan sát quá trình chế biến để đảm bảo chất lượng. Đặc biệt HTX đã phối hợp cùng doanh nghiệp bao tiêu dán tem truy xuất nguồn gốc nên người tiêu dùng ở mọi nơi, mọi lúc có thể kiểm tra xác thực thông tin nhanh nhất. Hiện sản phẩm của Đồng Phú đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao, xuất khẩu sang những thị trường Mỹ, châu Âu…

Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt cho biết, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Gạo hữu cơ Đồng Phú”, sản phẩm của HTX được nhiều người tiêu dùng biết đến, tiêu thụ khá thuận lợi, giá bán gấp 2,5 - 3 lần so với trước đây. Nhờ có thương hiệu, HTX đã xuất khẩu được sản phẩm sang thị trường Mỹ.

Thực tế cũng cho thấy, nhờ được bảo hộ thương hiệu, nhiều sản phẩm nông sản đã gia tăng cả về số lượng và giá trị. Nhờ có nhãn hiệu, thương hiệu, nhiều nông sản Việt đã tiếp cận được những thị trường khó tính trên thế giới. Hiện nông sản Việt hiện đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù vậy câu chuyện bảo hộ thương hiệu nông sản vẫn chưa thực sự được đầu tư quan tâm đúng mức. Hệ lụy là nhiều nông sản Việt đã bị gắn nhãn mác giả ngay tại thị trường nội địa.

Đề cập đến vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, thời gian qua, nhiều loại hoa quả đã bị các thương lái làm giả thương hiệu, nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nhưng lại gắn mác hoa quả Việt. Chẳng hạn, các thương lái đã nhập dâu tây Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và gắn mác dâu tây Đà Lạt, Mộc Châu… rồi bán với giá chỉ bằng một nửa so với giá thông thường.

“Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, HTX sản xuất chân chính, mà còn ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu nông sản của Việt Nam ngay tại thị trường trong nước” - ông Nguyên trăn trở.

Đẩy mạnh phát triển thương hiệu

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho thấy, hiện Việt Nam duy trì 11 nhóm mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 7 nhóm mặt hàng như: gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Mặc dù đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, nhưng có 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để thúc đẩy phát triển các mặt hàng nông sản với giá trị cao, bền vững, chiếm vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng bảo hộ cho thương hiệu nông sản Việt được cho là một trong những vấn đề cấp bách.

Theo bà Nguyễn Mai Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Bộ NNPTNT, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đã được đề cập nhiều nhưng vẫn chung chung, chưa cụ thể; chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho nông sản. Đồng thời, chưa có sự kết nối, điều phối giữa các bộ, ngành; giữa Trung ương và địa phương...; chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể cho các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia nên sự hưởng ứng, đồng hành của các doanh nghiệp trong Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam chưa cao.

“Định hướng phát triển thương hiệu nông sản có thể tập trung vào 3 hướng tiếp cận chính là xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp; xây dựng thương hiệu vùng, miền, địa phương; xây dựng thương hiệu quốc gia" - bà Hương đề xuất.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trong đó, mỗi loại sản phẩm cần xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, minh bạch, giám sát được, không chỉ qua tích tụ đất đai mà bằng liên kết các nông hộ, liên kết chặt chẽ vùng trồng với doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để đảm bảo sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu.

Song song với đó, cần tổ chức tốt việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, nghiên cứu giống, cấp chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu tạo giá trị gia tăng nhằm góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.

Tương tự ông Đặng Phúc Nguyên cũng cho rằng, nông sản Việt muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước và tham gia sân chơi quốc tế cần phải coi trọng bản quyền và sở hữu trí tuệ. Nhà nước cần tăng cường định hướng doanh nghiệp, HTX xây dựng và quảng bá thương hiệu trong nước cũng như quốc tế thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấp bách phát triển thương hiệu nông sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO