Trong cuộc sống có thể có rất nhiều sự cố hoặc tai nạn nhỏ, thậm chí là những tai nạn lớn hơn mà công việc cấp cứu ban đầu đôi khi bị sai lầm, bị hiểu sai hoặc làm theo thói quen đã khiến gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Trong chương trình truyền thông sức khỏe cho mọi người số gần đây, BS Đặng Tuấn Dũng, Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai đã có những chia sẻ rất hữu ích về vấn đề “Cấp cứu ban đầu những tai nạn thông thường”.
Nguyên tắc sơ cấp cứu, luôn phải đặt an toàn lên trước
Theo BS Dũng: Nguyên tắc sơ cấp cứu có thể áp dụng trong cuộc sống được tổng hợp lại bằng cụm từ tiếng Anh rất dễ nhớ: DRSABC (Danger: An toàn; Response: Tình trạng nạn nhân; Shout: Gọi hỗ trợ; Airway: Đường thở; Breathing: Hô hấp; Circulation: An toàn).
Khi tiếp cận với một tình trạng tai nạn, một nạn nhân của tai nạn thương tích gì đó thì việc đầu tiên chúng ta tiếp nhận chính là an toàn. Hiện trường có an toàn hay không? Nạn nhân có an toàn không? Và chính chúng ta có an toàn hay không?
Tiếp theo là đánh giá tình trạng nạn nhân. Bệnh nhân còn thở không, có ngừng tim không, chảy máu như thế nào?
Bước rất quan trọng tiếp theo là gọi hỗ trợ, tuy nhiên có nhiều người rất hay bỏ qua bước này. Khi gọi hỗ trợ chúng ta mới có phương tiện, có người xung quanh, dụng cụ hay thiết bị để tiếp tục cấp cứu, vì đôi khi có những công việc cấp cứu mà một mình không thể làm được, khiến chúng ta kiệt sức và thực hiện không hiệu quả.
Nguyên tắc rất quan trọng nữa là đánh giá đường thở của bệnh nhân. Liệu đường thở của bệnh nhân có bị lấp tắc hay không? Có ngừng thở hay không? Bệnh nhân có vấn đề gì (ví dụ như hóc) hay không?
Tiếp theo là xem bệnh nhân có thể tự thở được nữa hay phải hỗ trợ cho thở oxy…
Khi chúng ta duy trì các biện pháp như vậy thì liệu tuần hoàn của bệnh nhân có đảm bảo hay không? Tim bệnh nhân còn đập hay không? Huyết áp có ổn không? Bệnh nhân còn tình trạng mất máu không?…
BS Dũng cũng thông tin thêm rằng, có hai nguyên tắc rất cơ bản gần như chúng ta có thể áp dụng cho tất cả mọi tai nạn: Thứ nhất, luôn kiểm tra an toàn trước khi tiếp cận hiện trường; và thứ hai là vận chuyển an toàn.
Trên các phương tiện truyền thông từng đề cập đến rất nhiều trường hợp tổ chức cấp cứu người bị nạn, có trường hợp khi người dân cứu hộ tai nạn (đuối nước, cứu hỏa…) thì rất đáng tiếc chính người cứu hộ lại trở thành nạn nhân tiếp theo. Do vậy, trước khi tiếp cận bệnh nhân, tiếp cận hiện trường thì phải kiểm tra độ an toàn đầu tiên, để đừng biến mình thành nạn nhân tiếp theo.
Nguyên tắc thứ hai, vận chuyển an toàn. Chúng tôi làm ở Khoa Cấp cứu thấy rất buồn vì đến tận bây giờ vẫn có rất nhiều trường hợp vận chuyển bệnh nhân không an toàn đến bệnh viện. Kết cục của bệnh nhân đáng lẽ tốt hơn rất nhiều.
“Cách đây hơn 1 tháng, có một bệnh nhân bị đuối nước được chuyển đến bệnh viện. Tất nhiên tình trạng bệnh nhân khá nặng rồi. Nhưng một trong những tổn thương đã bị người vận chuyển bỏ qua, sau đó nó quyết định đến việc bệnh nhân không thể qua khỏi được. Đó là bệnh nhân bị tổn thương đốt sống cổ rất nặng.
Tất nhiên chúng tôi biết, vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Và nó cũng trở thành điều gì đó ăn sâu trong tâm khảm mọi người. Khi thấy nạn nhân bị tai nạn, đuối nước, có thể chúng ta sẽ bế xốc bệnh nhân lên xe máy, taxi… đi thật nhanh đến bệnh viện. Đó là suy nghĩ đúng, nhưng chúng ta cần phải có kiến thức nữa” - BS Dũng chia sẻ.
Cần có kiến thức về sơ cấp cứu
BS Dũng nhấn mạnh: Kiến thức đầu tiên là “đừng làm hại thêm”, bởi bất kỳ can thiệp tim mạch, can thiệp y khoa hoặc can thiệp nào tác động sức khỏe bệnh nhân đều có thể làm cho tình trạng bệnh nhân tồi tệ thêm. Mà nguyên tắc này hiện tại trong cộng đồng chúng ta thông thường hay bị bỏ qua, có thể do quá lo lắng, quá hấp tấp.
Ví dụ, với những bệnh nhân có tổn thương cột sống, chúng ta không bảo vệ cột sống của nạn nhân thì nạn nhân hoàn toàn có thể tử vong. Bởi vì khi mảnh xương sống đè ép, vỡ, chọc vào tủy sống thì bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng sốc tủy. Hoặc là những tổn thương cột sống gây ra di chứng bệnh nhân liệt tay, chân, liệt tứ chi, ảnh hưởng đến toàn bộ phần đời phía sau... Những trường hợp này rất hay gặp trong các chấn thương do tai nạn giao thông, chấn thương do ngã cao, hoặc do đuối nước (rất nhiều trường hợp nạn nhân đuối nước trong tư thế ngã cắm đầu xuống, tổn thương cột sống).
Tiếp theo là vấn đề lấp tắc đường thở. Đây là một tình trạng rất nhiều người không thể kiểm soát được. Hiện tại chúng tôi có khá nhiều bệnh nhân hôn mê, đột quỵ vào bệnh viện. Tuy nhiên khá tiếc vì có một số bệnh nhân khi đến bệnh viện đã trong tình trạng ngừng thở, thậm chí ngừng tim do đường thở của bệnh nhân không được kiểm soát.
Khi bệnh nhân hôn mê, thông thường phần sau lưỡi của họ sẽ chạm vào thành họng, lấp tắc toàn bộ đường thở (tình trạng tụt lưỡi), khiến họ không thể thở được. Khi không thở được 5 - 10 phút thì sẽ gây ra tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tình trạng này diễn ra rất nhanh, đặc biệt với những người đột quỵ.
Tình trạng tiếp theo là sốc mất máu. Với những vết thương chảy máu mà không thể kiểm soát tốt được thì khá là đáng tiếc cho đến tận bây giờ. Câu chuyện mất máu do chấn thương, tai nạn không có gì lạ lẫm. Nhưng khi chúng tôi hỏi về cách sơ cứu, thì rất nhiều người trả lời chỉ biết cách duy nhất là garo lại. Việc này cũng là “con dao hai lưỡi”, có mặt tốt mặt xấu. Cầm máu được là tốt nhưng có một số vết thương không thể garo được thì tình trạng sẽ rất phức tạp.
Có 3 loại vết thương mạch máu, đó là vết thương động mạch (máu sẽ phun thành tia), tĩnh mạch (thông thường máu sẽ loang ra màu thâm hơn, chảy rất khó cầm), và mao mạch (là vết thương nhỏ, chảy máu một lúc sẽ cầm).
Về cách cầm máu, theo BS Dũng: Có thể cầm máu bằng hình thức trực tiếp, là ép gạc lên sau đó quấn chặt lại. Hoặc cầm máu gián tiếp là garo, hoặc kiểm soát phía nguồn của vết chảy máu… Tuy nhiên, khi chúng ta garo lại thì toàn bộ vùng đó sẽ bị thiếu máu. Thông thường chúng ta có khoảng từ 4 - 6 tiếng để cứu vùng này. Vì vậy chúng ta phải nhanh chóng giải quyết vấn đề về cầm máu, đưa nhanh đến bệnh viện. Khi thiếu máu, phần cơ thể đó sẽ sinh ra hoại tử, sinh ra chất độc. Khi mà chúng ta nới garo, hoặc tháo garo đột ngột thì sẽ giải phóng ồ ạt những chất độc do cơ hoại tử ở vùng tổn thương khiến bệnh nhân có thể ngừng tim… Vì vậy chúng ta cần nới lỏng mỗi 30 phút đến 1 giờ, để phần máu đó được trao đổi, chất độc không bị tích tụ lại.
Về cách vận chuyển bệnh nhân an toàn, thông thường chúng ta hay cõng bệnh nhân. Tuy nhiên không phải lúc nào thể trạng của người trợ giúp cũng có thể cõng được. Đặc biệt, ở một số trường hợp nếu nghi ngờ bệnh nhân có tổn thương đốt sống cổ hoặc tổn thương cột sống thì việc cõng này có thể gây tình trạng nặng thêm.
Lời khuyên, nếu nghi ngờ bệnh nhân có chấn thương cột sống hoặc cần bảo vệ cột sống thì chúng ta có thể kéo nạn nhân bằng ga, bằng chăn, kéo chân hoặc túm vào vai áo của bệnh nhân để di chuyển. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, những hành động này chỉ được thực hiện khi hiện trường quá nguy hiểm, bệnh nhân không thể ở đó được, còn bình thường chúng ta sẽ đợi cho nhân viên y tế, nhân viên 115 đến hỗ trợ.