Tối 14/8, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã đăng ký mua vaccine Covid-19 của Nga và Anh. Tuy nhiên, việc cung cấp vaccine phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, quy trình thử nghiệm vaccine ở Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ và đòi hỏi thời gian. Đây là một trong những thách thức lớn trong việc sớm đưa vaccine tiếp cận với người dân.
Các chuyên gia dự tính năm 2021, thế giới có thể có 2 tỉ liều vaccine Covid-19, nhưng chưa biết khi nào chúng ta tiếp cận được. Do đó, để đảm bảo tính chủ động, Việt Nam hiện là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vaccine theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, mở ra cơ hội hợp tác, xuất khẩu vaccine với các nước.
Bởi vậy, ngoài việc tích cực phối hợp với các nhà cung cấp vaccine trên thế giới để mua và sản xuất vaccine, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu để sản xuất vaccine trong nước.
Đơn cử, Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 của Bộ Y tế (Vabiotech) phối hợp Đại học Briston (Anh) nghiên cứu sản xuất vaccine theo công nghệ vector virus. Đây là công nghệ tiên tiến được nhiều hãng sản xuất vaccine lớn trên thế giới sử dụng.
Ông Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch Vabiotech cho biết, vừa qua, đơn vị đã thử nghiệm vaccine Covid-19 trên động vật. Kết quả cho thấy kháng nguyên của vaccine đáp ứng miễn dịch, đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, phòng được Covid-19.
“Chúng tôi đang chuẩn bị toàn bộ các điều kiện cần thiết để cho tiêm thử trên người” – TS. Đỗ Tuấn Đạt cho hay.
Hiện tại, các nhà khoa học của Vabiotech đang trong giai đoạn tối ưu hóa quy trình sản xuất. Đối với vaccine cần phải xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng mà mình mong muốn; phải tối ưu hóa ở quy mô sản xuất lớn để có thể sản xuất với số lượng nhiều nhất, trong thời gian ngắn.
“Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu có thể sản xuất được số lượng lớn trong thời gian ngắn. Do vậy mọi điều kiện, yêu cầu phải được đánh giá kỹ, sao cho hoàn thiện nhất” - ông Đạt thông tin.
Một ứng viên tiềm năng khác trong cuộc đua sản xuất vaccine tại nước ta là Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), với công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi. Quy trình sản xuất tương tự vaccine cúm A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm. IVAC đã chuẩn bị sản xuất những lô thử nghiệm đầu tiên.
Dự kiến tháng 10-12, đơn vị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một trên người và 2 giai đoạn tiếp theo vào đầu năm 2021, sau đó nâng cấp quy mô 30 triệu liều/năm. Tháng 4/2021, đơn vị sẽ nộp hồ sơ cấp phép.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Thu Vân - Chủ nhiệm Chương trình Phát triển vaccine phòng bệnh cho người, Bộ Y tế, cho biết theo dự tính, cuối năm 2021, vaccine Covid-19 của Việt Nam hoàn thành.