Trong hôm 13/8, Nga nói rằng lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của thế giới mà nước này sản xuất sẽ được ra mắt trong vòng 2 tuần, đồng thời bác bỏ mọi mối quan ngại vô căn cứ về tính an toàn của nó mà một số chuyên gia đã đưa ra.
Vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới
Chủng vaccine ngừa Covid-19 mà Nga điều chế có tên gọi “Sputnik V”, theo tên của vệ tinh đầu tiên của thế giới mà Liên Xô phóng lên không gian vào năm 1957. Theo giới chuyên gia, chủng vaccine này chưa hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, trong khi một số nhà khoa học lo ngại rằng Moscow đang muốn đặt sự tự hào quốc gia lên trên sự an toàn.
“Dường như những đồng nghiệp nước ngoài của chúng tôi đang cảm nhận rõ được lợi thế cạnh tranh của dược phẩm Nga và đang cố gắng đưa ra những ý kiến mà chúng tôi cho là hoàn toàn vô căn cứ” – Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko nói, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố chủng vaccine mới đã được phê duyệt.
Giới chức Nga trước đó nói rằng vaccine mới của họ, được phát triển bởi Viện Gamaleya ở thủ đô Moscow, sẽ được sử dụng cho nhiều người – trong đó có các y, bác sĩ tuyến đầu – theo hình thức tự nguyện trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Việc tiêm vaccine trên diện rộng ở Nga dự kiến sẽ được bắt đầu vào tháng 10 năm nay.
Tổng thống Vladimir Putin trước đó xác nhận thông tin rằng, có tổng cộng 20 quốc gia trên thế giới, ở khu vực Mỹ Latin, Trung Đông và châu Á đã đề nghị mua vaccine đột phá mà Nga sản xuất.
Trong một cuộc họp báo được tổ chức để tuyên bố về chủng vaccine mới được ra mắt, Giám đốc điều hành của Quỹ Đầu tư Trực tiếp nước Nga (RDIF) Kiril Dmitriev giải thích rằng, họ đã nhận được đơn đặt hàng với số lượng tổng cộng lên tới 1 tỷ liều vaccine.
“Cùng với các đối tác của chúng tôi ở nước ngoài, chúng tôi đã sẵn sàng sản xuất hơn 500 triệu liều vaccine mới mỗi năm” – ông Kiril Dmitriev nói, thêm rằng mọi liều vaccine được sản xuất ở Nga sẽ chỉ được sử dụng ở trong nước, trong khi vaccine được sản xuất ở các nước khác sẽ phục vụ cho xuất khẩu.
Ông Dmitriev cũng nói về một cuộc chiến thông tin nhằm chống lại nước Nga, cụ thể là nhằm vào chủng vaccine mới do Nga chế tạo. Luận điểm mà ông đưa ra nhận được một số ý kiến ủng hộ. Mikhail Mechyov, một cư dân 42 tuổi sống ở thủ đô Moscow, cho rằng các nước phương Tây đưa ra cảnh báo về vaccine mới của Nga là do họ ganh tỵ.
“Tỏ ra cảnh giác là điều rất bình thường, nhưng họ đang nhắm mục đích làm hỏng thành tựu của đất nước chúng tôi” – ông Mechyov nói với Reuters – “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã làm được rất nhiều điều, và thật tốt khi chúng tôi đã có một chủng vaccine”.
Gây tranh cãi
Tuy nhiên, chủng vaccine mới của Nga cũng gây không ít tranh cãi. Tạp chí khoa học danh tiếng Nature đưa tin cộng đồng khoa học gia trong lĩnh vực dịch tễ thế giới cũng như của Nga đã lên tiếng bày tỏ mối lo ngại về vấn đề an toàn cho sức khỏe người dân sau khi Nga quyết định sử dụng rộng rãi vaccine Sputnik V.
Hiệp hội các tổ chức nghiên cứu lâm sàng ở Nga (ACTO) đã ra tuyên bố rằng trình tự thử nghiệm vaccine của Gamaleya là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của nghiên cứu lâm sàng. ACRO cho rằng quy trình thử nghiệm “bỏ bước” này cũng vi phạm luật pháp Nga cũng như các quy định quốc tế về nghiên cứu vaccine.
Các nhà khoa học hàng đầu thế giới cũng có chung nhận định rằng việc Nga cho triển khai sử dụng rộng rãi vaccine Sputnik V là “quá vội vã và liều lĩnh” vì triển khai đại trà mà không qua thử nghiệm nghiêm túc và đầy đủ là vi phạm đạo đức y khoa.
Được biết, các giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của vaccine, thường được thực hiện đối với hàng nghìn người tham gia, được coi là rất quan trọng trong việc quyết định xem tính hiệu quả và an toàn của chủng vaccine đó. Chỉ khoảng 10% các cuộc thử nghiệm lâm sàng là thành công.
Philippines và Kazakhstan đã thể hiện mong muốn mua chủng vaccine của Nga, trong khi một quan chức kỳ cựu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng tổ chức này chưa nhận được đủ thông tin để đánh giá về vaccine mới. WHO khuyến nghị ngành y tế Nga nên tuân thủ đầy đủ các giai đoạn thử nghiệm trước khi đưa ra sử dụng rộng rãi.