Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thời gian qua, các bộ ngành địa phương đã nỗ lực thu gọn đầu mối, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện xã, qua đó không chỉ làm gọn bộ máy mà còn nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước.
Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nhiều địa phương đã có cách làm hay, hiệu quả. Chẳng hạn, Yên Bái đã giảm được 405 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện, bằng 25,52% so với tổng số đầu mối tổ chức, cơ quan, đơn vị năm 2015 (trong đó có 363 cơ quan, đơn vị khối Nhà nước). Đã giảm được 3.780 biên chế, trong đó giảm trực tiếp 2.270 biên chế (tính chung đã giảm 11% so với năm 2015)...
Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đi tiên phong, gương mẫu, điển hình trong việc thực hiện sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị cấp tỉnh, huyện và xã. Kết quả là đã giảm bớt các tầng nấc trung gian, bảo đảm hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn kết chặt chẽ với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Qua đó, đã đem lại tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi thông và giải phóng tối đa các nguồn lực để đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc.
Hà Nội cũng đạt được những kết quả tích cực, theo Phó Bí thư Thường trực thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn đạt nhiều kết quả, tích cực tạo được sự thống nhất, đồng thuận, đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt. Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, khắc phục cơ bản những hạn chế, tồn tại trong nhiều năm. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng cao, có chuyển biến tích cực.
Với bộ ngành, Bộ Tài chính là Bộ có nỗ lực đáng kể trong thực hiện chủ trương này, cụ thể, Bộ Tài chính đã sắp xếp, cắt giảm trên 5.368 đầu mối đơn vị từ cấp Trung ương đến cấp tổ, đội tại địa phương, và đã giảm được 4.542 lãnh đạo quản lý. Bộ Công an cũng là Bộ được nhắc nhiều về những kết quả trong việc tinh giản biên chế, gọn bộ máy.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW đã giúp “6 giảm” và “6 tăng”. Cụ thể, “6 giảm” là: Giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng lãnh đạo, giảm biên chế, giảm thủ tục hành chính, giảm chi cho bộ máy hệ thống chính trị. “6 tăng” bao gồm: Tăng về tính khoa học tổ chức, tăng về chất lượng cán bộ, tăng về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tăng chi cho đầu tư phát triển và tăng sự đồng thuận xã hội.
Tuy nhiên, để bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, cần xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý, khắc phục triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.
Phân định rõ trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân, bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, thông suốt và hiệu quả; phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị và từng cá nhân.
Bộ trưởng cũng cho biết, tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu thí điểm tổ chức ở cấp tỉnh phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và hoàn thiện hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.