Câu chuyện châu Phi

THẾ TUẤN 12/02/2023 09:42

Là châu lục giàu tài nguyên, nhưng châu Phi lại “sở hữu” nhiều quốc gia nghèo nhất thế giới. Đáng chú ý, nghèo đói và hy vọng có được một công việc với mức lương cao là những lý do thúc đẩy nhiều người gia nhập các nhóm cực đoan và bạo lực.

Lực lượng an ninh tại hiện trường một vụ tấn công ở thành phố Aden, Yemen. Ảnh: AFP.

Cuộc điều tra của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phỏng vấn gần 1.200 cựu thành viên các nhóm cực đoan tại 8 quốc gia châu Phi. Kết quả cho thấy, 900 người tự nguyện gia nhập các nhóm bạo lực, số còn lại bị ép buộc. Trong số người tự nguyện chỉ vì nghèo đói chiếm đa số.

Chủ nghĩa khủng bố vẫn luôn là thách thức lớn đối với các khu vực và mỗi quốc gia. Lợi dụng sự bất ổn và xung đột, các nhóm khủng bố đã gia tăng hoạt động và tăng cường các cuộc tấn công trên khắp châu Phi. Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá, khu vực này bị ảnh hưởng bởi mối các đe dọa khủng bố nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, khủng bố khiến các nền kinh tế châu Phi thiệt hại khoảng 171 tỷ USD, cùng hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong 10 năm qua.

“Bất chấp những cuộc truy quét, tấn công mạnh mẽ của chính phủ các nước, chủ nghĩa khủng bố vẫn lan rộng về mặt địa lý, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới”- nhận xét của UNDP.

Cách đây 2 năm, Hội đồng Bảo an LHQ đã lên tiếng cảnh báo về nạn khủng bố và bạo lực cực đoan tại châu Phi cùng tác động của khủng bố đối với an ninh, ổn định và phát triển của khu vực.

Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary Dicarlo, cùng đại diện của Liên minh châu Phi tại LHQ Fatima Mohammed và Trợ lý Tổng Thư ký LHQ kiêm Cố vấn đặc biệt của Tổng Giám đốc UNDP Abdoulaye Dieye cho rằng: Tình hình khủng bố ở châu Phi là rất đáng lo ngại, đặc biệt là tại các khu vực Sahel, Hồ Chad và Sừng châu Phi.

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ cùng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng khủng bố tại châu Phi và về tác động của khủng bố đối với an ninh, ổn định và phát triển của khu vực; chia sẻ quan điểm về việc cần có giải pháp toàn diện trong xử lý vấn đề khủng bố và bạo lực cực đoan, trong đó có giải quyết các thách thức về kinh tế - xã hội, bất bình đẳng và nhân quyền, tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thanh niên, giải quyết các thách thức về chính trị còn tồn tại ở châu Phi.

Tuy nhiên, theo thời gian, dù nhận được nhiều trợ giúp quốc tế cũng như nỗ lực của các chính phủ, nhưng tình trạng bạo lực, bất ổn và đói nghèo vẫn tồn ở nhiều khu vực tại châu lục Đen. Người ta cho rằng các cuộc xung đột, bạo lực và thiên tai trên toàn châu Phi đã buộc khoảng 15.000 người phải rời bỏ nhà cửa mỗi ngày. Trung bình 1 năm có khoảng 2,7 triệu người đã phải sơ tán bên trong nước mình. Còn việc tìm đường ra nước ngoài tị nạn, có thể lên tới hơn 5,6 triệu người mỗi năm.

Nhiều tổ chức nhân đạo và hỗ trợ người di cư nhấn mạnh, đằng sau các con số “lạnh lùng” kể trên là cuộc sống bị đe dọa của những người buộc phải rời bỏ nhà cửa; phải sống trong điều kiện cực kỳ bấp bênh và thường phải đối mặt với nguy cơ tiếp tục bị di chuyển chỗ ở và rơi vào cảnh bần cùng. Trong đó, xung đột và bạo lực là nguyên nhân dẫn tới 75% trường hợp phải di chuyển chỗ ở trên toàn châu Phi.

Bà Alexandra Bilak - Trung tâm Giám sát di cư nội địa (IDMC) cho biết: "Tuy đã được cải thiện nhưng tình hình vẫn chưa hết tồi tệ đòi hỏi một cách tiếp cận mới, vượt lên trên hành động nhân đạo, để giải quyết tận gốc các nguyên nhân và các tác động lâu dài của tình trạng người dân phải bỏ nhà cửa ra đi". Bà Bilak khẳng định, để đảo ngược xu hướng này cần hành động mạnh mẽ để ngăn chặn xung đột và xây dựng hòa bình, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó cần tăng cường các biện pháp giúp giảm số người phải sơ tán do thiên tai, rút ngắn thời gian để họ gây dựng lại cuộc sống của mình.

“Câu chuyện của châu Phi từ lâu đã vượt ra khỏi châu lục, nhưng cộng đồng quốc tế cần phải làm gì để tăng sức đề kháng cho họ thì vẫn là việc phải bàn” - bà Bilak nói.

Ngày 8/2/2023, Ủy viên phụ trách Nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) Ylva Johansson khẳng định, mối đe dọa từ các nhóm tội phạm có tổ chức mà những quốc gia thành viên trong khối đang phải đương đầu, có mức độ nghiêm trọng tương tự chủ nghĩa khủng bố. Phát biểu họp báo nhân chuyến thăm thành phố cảng Antwerp của Bỉ - nơi đã trở thành cửa ngõ lớn nhất tuồn cocaine vào châu Âu, bà Johansson nhấn mạnh: Tôi có thể khẳng định rằng hiện nay, mối đe dọa mà chúng ta đang phải đương đầu với tội phạm có tổ chức gây ra cho xã hội có mức độ nghiêm trọng tương đương mối đe dọa khủng bố. Chúng ta phải chiến đấu với mối đe dọa này bằng sức mạnh, cam kết và quyết tâm. Rõ ràng là những nhóm tội phạm có tổ chức này hoạt động xuyên biên giới, chúng mang tính quốc tế, và đó là lý do chúng ta cần đến sự hợp tác quốc tế.

Bà Ylva cũng cho biết, ở quê hương Thụy Điển của bà, 90 vụ đánh bom và 388 sự cố bạo lực súng đạn xảy ra trong năm 2022 đã khiến 61 người thiệt mạng. Nguyên nhân chính dẫn tới hậu quả này là hoạt động buôn bán ma túy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Câu chuyện châu Phi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO