Sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) của 18 tỉnh, thành phố sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong tuần này bao gồm: Cao Bằng; Lai Châu; Gia Lai; Tiền Giang; Yên Bái; Quảng Ngãi; Hậu Giang; Bình Dương; Tây Ninh; Bắc Kạn; Nam Định; Ninh Bình; Bến Tre; Vĩnh Phúc; Quảng Nam; Quảng Bình; Vĩnh Long; và TP Hải Phòng. Nếu được thông qua, các nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2020.
Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã phải đảm bảo công khai, dân chủ, lấy ý kiến cử tri của địa phương. Ảnh: Backan Online.
Có thể nói, việc thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã là bước đi nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã cũng là sự tiếp nối, chi tiết hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Và đây cũng là nhu cầu khách quan đối với quản trị quốc gia trong bối cảnh hiện nay. Bởi một trong những mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 37 là đến năm 2021 cơ bản hoàn thành sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Cũng phải nhìn nhận rằng, thực tế vừa qua cho thấy nhiều ĐVHC cấp huyện, cấp xã có quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, nguồn lực bị phân tán, manh mún kéo theo tư duy cũ trong quản lý xã hội vào quản lý ĐVHC. Quản lý kinh tế, quản lý xã hội bị khuôn hẹp trong một phạm vi địa giới hành chính cụ thể. Và điều đáng nói, chính tư duy này không phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đang tích cực hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế. Đơn cử như trong nhiều báo cáo tổng kết đánh giá về bộ máy nhà nước đã chỉ ra một thực tế rằng: Việc chia tách nhiều ĐVHC làm phát sinh về tổ chức bộ máy, biên chế, chi tiêu, mua sắm trang thiết bị, trụ sở, chi thường xuyên, kinh phí duy trì hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị ở địa phương tăng, tạo áp lực cân đối chi tiêu ngân sách quốc gia. Bộ máy công quyền cồng kềnh, nhiều tầng nấc là cơ hội cho căn bệnh quan liêu, trì trệ của nền công vụ. Điều đó cũng trả lời cho bài toán kinh tế khi ngân sách nhà nước đầu tư nhiều cho nguồn lực song hiệu quả đem lại chưa tương xứng do việc đầu tư phân bổ dàn trải, “cắt bánh, chia phần” nên khó tạo nên đột phá.
Nói vậy để thấy, vấn đề sắp xếp lại các ĐVHC là đòi hỏi khách quan của cuộc sống khi sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những tiền đề trong quản trị. Bởi quản lý hành chính sẽ không nhất thiết phải gắn chặt với một địa giới hành chính cụ thể. Mô hình chính phủ điện tử, chính quyền thông minh cũng đã và đang được triển khai mạnh mẽ ở cả cấp Trung ương lẫn địa phương. Hiện nay ở các quốc gia như Pháp, Đức, Nhật Bản, Thái Lan cũng đang đẩy mạnh việc sắp xếp lại các xã theo mô hình liên kết các xã nhỏ thành xã lớn, hoặc liên xã để quản lý phù hợp với yêu cầu quản trị quốc gia trong sự phát triển mới.
Mục đích thực sự của sắp xếp các ĐVHC là làm cho bộ máy công quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội tốt hơn, phương thức vận hành nền công vụ tốt hơn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội. Do đó, cần phải có tư duy mới và năng lực trong thiết kế, vận hành bộ máy quản trị quốc gia, quản trị địa phương tương xứng với quy mô quản trị được mở rộng hơn. Vì vậy, vấn đề được đặt ra chính là tính hiệu quả của bộ máy cũng như cơ sở hạ tầng sau sắp xếp để sau khi sắp xếp các ĐVHC phát huy được tính hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội thay vì sáp nhập kiểu “cơ học”, giảm được một số đầu mối, con người. Vì đích đến của việc sắp xếp phải là tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả như mục tiêu mà Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đặt ra. Chưa kể, khi sáp nhập các huyện, xã sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới như sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, dư thừa cán bộ, chi phí xây dựng trụ sở mới, chi phí thay đổi tên, địa chỉ nhà, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hay các các giao dịch hành chính... Hay như chính Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đặt ra một số vấn đề khi sắp xếp các ĐVHC như: Sau khi sáp nhập thì trung tâm xã đặt ở đâu? Tất cả các tài sản liên quan đến các xã, thiết chế văn hóa, trường học sắp xếp như thế nào? Nếu không cẩn thận sẽ gây lãng phí tài sản rất lớn, chưa kể những đơn vị hành chính dân số đông, diện tích rộng thì làm như thế nào trong khi đại hội Đảng ở cơ sở đã cận kề. Và theo ông “những vấn đề trên cần được làm rõ”.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, cái khó nhất của việc sắp xếp các ĐVHC nằm ở vấn đề nhân sự, bố trí và sắp xếp nhân sự. Bởi thực tế vẫn còn tâm lý ngại thay đổi, đụng chạm. Cán bộ được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại và là người thực hiện chính sách. Do đó, nếu không lựa chọn được cán bộ tốt thì chính sách có hay đến mấy cũng thất bại. Vẫn biết việc lựa chọn, sắp xếp bố trí cán bộ là công việc khó, hay thậm chí là “nhạy cảm”. Và điều đó rất cần sự quyết tâm, nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy cấp trên trong lựa chọn, sắp xếp cán bộ tại các ĐVHC sau sáp nhập.