Vào đầu tháng 11, trước áp lực của dư luận, Thành ủy TP Tân An, tỉnh Long An đã trực tiếp chỉ đạo UBND TP Tân An tạm ngưng chủ trương đập bỏ cầu Đúc Tân An bắc qua sông Bảo Định (P.1, TP Tân An). Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu vẫn lo ngại vì quyết định này chưa đảm bảo cho công trình trăm tuổi này sẽ được giữ lại để bảo tồn.
Hiện trạng Cầu Đúc Tân An gần trăm tuổi bị đập phá ngổn ngang
trước khi có quyết định tạm ngưng tháo dỡ.
Chủ trương đập bỏ cầu Đúc Tân An để xây mới xuất phát từ việc đầu năm 2000, tỉnh Long An nhận được văn bản của đơn vị xây dựng cầu (từ thời Pháp) thông báo cầu Đúc Tân An đã hết niên hạn sử dụng. UBND tỉnh Long An cũng chủ động tổ chức thẩm định hiện trạng cây cầu này và có nhận định các dầm cầu đã yếu, sắt thép bị rỉ sét nặng, nhiều chỗ bị mục và xuống cấp nên cần thiết phải tháo dỡ.
Cùng với quyết định dỡ bỏ cầu Đúc Tân An thì đến năm 2014, UBND tỉnh Long An cũng đã ủy quyền cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu mới cũng tại vị trí cầu Đúc cũ với quy mô làn xe chạy 4,5m x 2, lề bộ hành 2,25m x 2, tổng chiều dài cầu 94 m và tổng kinh phí đầu tư là 61,729 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Công trình được lên kế hoạch khởi công trong năm 2015 và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2017.
Tuy nhiên từ cuối tháng 10 năm nay khi đơn vị trúng thầu tháo dỡ cầu Đúc vừa bắt đầu tiến hành công việc thì gặp phải chỉ trích của dư luận. Nhiều người dân Tân An muốn thành phố lưu giữ lại cầu Đúc Tân An do công trình đã gắn bó trong tiềm thức của nhiều thế hệ, cũng như cây cầu trăm tuổi này mang nhiều giá trị văn hóa lịch sử gắn với vùng đất, con người của TP Tân An nói riêng và tỉnh Long An nói chung. Trước áp lực dư luận, Thành ủy TP.Tân An đã trực tiếp chỉ đạo UBND TP tạm ngưng chủ trương đập bỏ cây cầu vào đầu tháng 11 vừa qua.
Xung quanh động thái này của TP. Tân An, đã có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Tuy nhiên, khoan bàn đến khía cạnh kinh tế nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, việc cho tạm ngưng đập bỏ cầu Đúc Tân An là nên làm vì cây cầu cổ trăm tuổi này xứng đáng được giữ lại như một biểu tượng văn hóa.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Phan Anh Tú - Giảng viên Khoa Văn hóa học (Trường ĐH KHXH&NV TP HCM), đồng thời là một người dân Long An cho biết, cầu Đúc Tân An không chỉ là một công trình giao thông quan trọng đối với người dân hai bờ sông Bảo Định, mà còn là công trình cổ đã gần trăm tuổi và mang nhiều giá trị lịch sử văn hóa rất quý.
Theo TS Phan Anh Tú, ở thành phố Tân An hiện nay có ba cây cầu trở thành quen thuộc với người dân thành phố mà mỗi khi nhắc đến thì người ta không cần hỏi chúng nằm ở chỗ nào hoặc khi hẹn nhau mà sợ bị lạc thì bảo ra chỗ những cây cầu này để gặp được nhau. Đó là các cây cầu Đúc, cầu Sắt và cầu Dây.
Cầu Đúc được xây dựng bằng bê tông bắc qua sông Bảo Định đi vào chợ Tân An cũ và ngày xưa bà con buôn bán trên cả thành cầu, còn hai bên dưới chân cầu thì bán lu, hũ, khạp da bò. TS Tú nhớ thuở còn bé vào những ngày Tết người ta bán bông, bán kiểng trên cầu đẹp lắm.
Rồi trong dân gian cũng có giai thoại của người Tân An kể có một “Ông Đạo” giả làm ăn mày ngồi tại chân cầu nhưng chẳng ai cho ông ăn. Một hôm, một người bán vè số mủi lòng mua cho ông ổ bánh mì và ông ăn xong bèn bắc cái thang lên thành cầu bảo người ấy leo lên mà quán xuyến chuyện thế gian ở trong chợ Tân An. Người bán vé số leo lên thang nhìn vào chợ thấy người đi trong đó thì ít mà súc vật đi thì nhiều.
“Câu chuyện chỉ là giai thoại nhưng người ta đặt ra nhằm khuyên con người ăn hiền ở lành, tránh làm điều ác để còn làm được con người đúng nghĩa”, TS Tú nói.
Đối với nhà sưu tầm Đình Luật, cũng là người dân TP Tân An thì bày tỏ lo lắng khi việc tạm ngưng đập bỏ cầu Đúc không đồng nghĩa với việc cây cầu này được giữ lại bởi nhiều lý do. Thứ nhất là UBND TP Tân An thông báo việc tạm ngừng việc đập bỏ cầu để tiếp tục tìm nhà thầu xây cầu mới. Đồng thời, chính quyền thành phố cũng sẽ công bố phác thảo thiết kế, kế hoạch xây dựng lại cầu mới, sau đó sẽ tiếp tục tháo dỡ.
Là người chứng kiến cây cầu từ khi nhà thầu tiến hành phá bỏ, anh Trần Quốc Sơn, công tác tại Đài Truyền hình TP HCM chia sẻ: Do việc tháo dỡ đã được thực hiện trong 3 ngày trước khi được quyết định tạm ngưng nên hiện tại một phần mặt đường, lan can cầu đã bị đập bỏ hoàn toàn, hiện trạng cây cầu không còn đảm bảo được an toàn nữa. Do đó, vào lúc này thì mong mỏi của người dân Tân An muốn giữ lại cây cầu đang rơi vào tình thế “sự đã rồi”. “Chắc chắn nay mai thì cầu Đúc trăm tuổi của thành phố cũng sẽ đi vào dĩ vãng mà thôi”, anh Sơn nói.