Nhiều kiều bào là doanh nhân ở nước ngoài cho rằng, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU được ký kết hàng hóa Việt Nam vẫn khó vào thị trường châu Âu, thị phần hàng Việt Nam tại EU còn khiêm tốn so với tiềm năng của Việt Nam và so với hàng hóa của các nước khác. Vì sao vậy?
Theo ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hàng hóa Việt Nam dù không thua kém về chất lượng với các nước khác nhưng vẫn khó xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Nguyên nhân do doanh nghiệp Việt Nam chưa tìm hiểu kỹ thị hiếu người tiêu dùng sở tại, thị trường, luật pháp… nên hàng hóa chưa thu hút khách hàng châu Âu. Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung vào khâu phân phối mà chưa chú trọng vào khâu quảng bá, maketing cho sản phẩm; nguồn cung hàng hóa Việt Nam không ổn định, chất lượng và số lượng cũng tương tự. Chưa kể, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp gia đình nên còn hạn chế về tài chính, năng lực pháp lý khi phát triển ở thị trường lớn như châu Âu.
Là Chủ tịch Hội người Việt tại Ba Lan, đồng thời cũng là một doanh nhân, ông Trần Anh Tuấn cho rằng: EVFTA chính là cơ hội lớn để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào châu Âu. Khi đó hàng hóa của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh rất lớn so với hàng hóa của các nước khác, nhất là về giá cả, nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước, làm sao phải bảo đảm được chất lượng tiêu chuẩn châu Âu, đảm bảo được số lượng theo hợp đồng...
“Trong trường hợp này, doanh nghiệp kiều bào sẽ nơi cung cấp thông tin về mẫu mã, nơi tiêu thụ, giá cả... cho các doanh nghiệp trong nước. Nếu chúng ta biết kết hợp hài hòa giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, trao đổi thông tin tốt, sẽ là cơ hội cho cả hai bên. Mỗi doanh nhân kiều bào sẽ là một cầu nối để hàng Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu” – ông Tuấn cho biết.
Để hỗ trợ đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập các thị trường nước ngoài, một doanh nhân Việt Kiều Đức cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng mẫu mã, bao bì theo từng quy chuẩn của mỗi nước. Đặc biệt, cần chú trọng các khâu quảng bá sản phẩm tại các thị trường hướng đến, những doanh nghiệp nhỏ và vừa cần liên kết với nhau để có những sản phẩm đặc trưng.
Với nhiệm vụ phát huy sức mạnh của mạng lưới doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam trên khắp thế giới, thời gian qua, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) cũng tổ chức được nhiều các sự kiện để doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm bạn hàng và hợp tác đầu tư…
Ông Peter Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký BAOOV cho biết, với mạng lưới rộng khắp, BAOOV luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nhân Việt Nam trong nước tìm kiếm các khách hàng và đối tác phù hợp ở nước ngoài cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp ở nước ngoài kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Ban lãnh đạo, hội viên của Hiệp hội tích cực tham gia các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp trên toàn cầu. Nhiệm vụ này được Hiệp hội đặc biệt coi trọng, xác định thành chủ trương và có chương trình hành động xuyên suốt.
Đặc biệt là thực hiện Quyết định số 1797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020 - 2024”, nhiều siêu thị, hệ thống bán lẻ của các hội viên ở nhiều nước như ở Thái Lan, Malaysia, Mỹ, Australia… đã bày bán các mặt hàng Việt Nam phục vụ bà con kiều bào và hướng tới thành lập nhiều trung tâm xúc tiến thương mại và trưng bày hàng Việt Nam chất lượng cao tại các quốc gia như: Úc, Nhật, Nga, Lào, Malaysia.
Để phát huy sức mạnh của mạng lưới doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam trên khắp thế giới nhằm tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết, tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong chiến lược hội nhập và phát triển, ông Hồng cho biết, Hiệp hội đã tập trung vào 3 mảng chính: Tạo môi trường hợp tác kinh doanh; Hỗ trợ thông tin; Tư vấn. Ban lãnh đạo và hội viên BAOOV đã rất nỗ lực, quyết tâm trong việc tìm hướng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua các thị trường lớn như: Mỹ, Nga, Australia, Nhật, Malaysia, Thái Lan,…
Ngoài ra, Hiệp hội cũng luôn chú trọng đến công tác kêu gọi, vận động các nguồn lực về tài chính, chất xám, công nghệ tiên tiến từ cộng đồng kiều bào trên toàn thế giới trở về Việt Nam thực hiện đầu tư. Nhiều công trình, dự án, mô hình về IT, công nghệ sinh học, quản trị tài chính… đã được đầu tư thành công và trở thành mô hình điểm.
Một số kiều bào cũng cho biết, việc kết nối, hợp tác giữa các Hiệp hội doanh nhân trong nước và kiều bào sẽ hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm các khách hàng và đối tác phù hợp, nắm bắt được các cơ hội đầu tư cũng như chia sẻ thông tin tình hình kinh tế trong nước và quốc tế. Ngoài ra, bà con kiều bào sinh sống tại các quốc gia khác chính là cầu nối hữu hiệu để phổ cập rộng rãi hàng hóa của các quốc gia này. Ngoài ra, họ cũng chính là những người tiêu dùng tiềm năng, bởi dù sống và làm việc tại bất cứ một quốc gia nào thì nếp sống, thói quen sinh hoạt của người Việt vẫn giữ những đặc trưng riêng với việc sử dụng thực phẩm thuần Việt như gạo, chè, rau quả, lạc, đỗ…