Trên thế giới hiện có hàng nghìn Việt kiều là những doanh nhân đang hoạt động tại những thị trường lớn như: Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản… Sinh sống, làm việc lâu năm tại nước ngoài, doanh nhân Việt kiều am hiểu luật pháp, thị trường, tiêu chuẩn hàng hoá… Đây là những lợi thế rất lớn để “kênh” này có thể kết nối, hỗ trợ, hoặc trực tiếp đưa hàng hoá Việt tiếp cận những thị trường lớn.
1. Dịch bệnh Covid-19 đặt ra nhiều thách thức cho việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, có việc thực hiện xuất khẩu hàng hoá. Hiện nay dịch bệnh nhiều nước trên thế giới, nhất là những quốc gia có nền kinh tế phát triển đã được khống chế. Người dân có nhu cầu chi tiêu cao, nhất là đợt lễ Giáng sinh sắp tới. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Song, những thị trường có nhu cầu chi tiêu cao, thường lại là những thị trường khó tính. Để hàng hoá “vào” được những thị trường này, vai trò của cộng đồng kiều bào là hết sức quan trọng. Mới đây, tọa đàm “Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước ngoài” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và một số cơ quan tổ chức là dịp để các doanh nhân kiều bào “hiến kế” tháo gỡ những khó khăn trong việc đưa hàng Việt ra thế giới.
Tại khu vực Châu Âu, cộng đồng người Việt có nhiều lợi thế, khi có nhiều trung tâm thương mại lớn và nhiều Tập đoàn xuất nhập khẩu mạnh, chuỗi cung ứng trải rộng trên nhiều vùng khác nhau của thị trường Châu Âu. Các trung tâm đã tạo ra việc kinh doanh ổn định của cộng đồng người Việt tại nước sở tại. Mỗi một trung tâm thương mại là một trung tâm bán buôn lớn, hàng hoá được vận chuyển đi đến nhiều nơi khác nhau trong cùng khu vực. Ngoài ra, các trung tâm thương mại của người Việt cũng là nơi tổ chức maketing, cầu nối để các doanh nghiệp nước ngoài đi vào Việt Nam.
Đại diện cho cộng đồng doanh nhân Việt kiều ở Châu Âu, ông Hoàng Mạnh Huê (kiều bào Ba Lan), Chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nhân Việt Nam ở Châu Âu cho biết, dù hoạt động rất thành công, nhưng hệ thống này chưa được phát huy toàn diện cũng như chưa đạt hiệu quả trong việc đưa hàng Việt vào Châu Âu. Trong đó có nguyên nhân từ những hạn chế về nguồn lực của doanh nghiệp trong nước và chất lượng sản phẩm. “Doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Việt kiều cần kết hợp với nhau xây dựng chuỗi phân phối sâu từ nguồn nguyên liệu trong nước, chất lượng sản phẩm, chăm sóc khách hàng”, ông Huê nhấn mạnh.
Hiện nay, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài ngày càng liên kết mạnh mẽ. Trong đó, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài là một tổ chức lớn, thu hút doanh nhân tại nhiều quốc gia, châu lục. Ông Peter Hồng (kiều bào Australia), Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cũng đã chia sẻ về việc đưa hàng Việt ra thế giới thông qua kinh nghiệm khi ông tổ chức các cuộc triển lãm hàng hoá Việt Nam tại Hàn Quốc và Thái Lan năm 2020. Ông Perer Hồng cho rằng, việc tổ chức các hoạt động triển lãm như thế này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy quảng bá thương hiệu cũng như giới thiệu hàng hóa Việt ra thế giới. Do đó, khi đem đi “chào hàng”, các doanh nghiệp cần quan tâm đến chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm hàng hoá mà mình đang muốn giới thiệu, đang muốn quảng bá. Việc này phải được chuẩn bị một cách bài bản, chu đáo. Trong đó, một trong những tiêu chuẩn khó khăn nhất để hàng hóa vào được thị trường Châu Âu đó là chất lượng phải đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn Châu Âu.
2. Cũng chung chiến lược đưa hàng Việt ra thế giới, mới đây, Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc (VKBIA) và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Vương quốc Anh (VBUK) đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác “Phối hợp quảng bá, thu hút đầu tư, hợp tác kinh doanh, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt Nam ra nước ngoài. Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch VKBIA, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ, trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2015, hai nước cần mở rộng hơn nữa hoạt động thương mại và đầu tư, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại lên mức 100 tỷ USD, đi đôi với thúc đẩy cân bằng thương mại thông qua việc Hàn Quốc tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh; tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Là người trực tiếp có cơ hội được quay về Tổ quốc nhiều lần, ông Trần Hải Linh nhận thấy, Việt Nam đã có những bước phát triển và đạt được nhiều kết quả, vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp. Uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng cao trong quá trình hội nhập. Điều này đã và đang tạo điều kiện cho sự giao lưu, chia sẻ, cũng như thu hút sự quan tâm của kiều bào và bạn bè quốc tế đối với các hoạt động liên kết để xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam.
Còn tại các nước Châu Âu, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Vương Quốc Anh, ông Hoàng Việt Phương nhấn mạnh, hiện nay thương mại song phương Việt Nam - Anh đã tăng khoảng 10 lần, từ 600-700 triệu USD vào năm 2007 lên 6,5 tỷ USD trong giai đoạn hiện nay. Thông qua thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ nỗ lực hợp tác toàn diện trong việc tìm kiếm và triển khai các cơ hội hợp tác đa phương tại Việt Nam, Hàn Quốc và Vương quốc Anh thông qua việc kết nối mạng lưới các doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào, cơ quan và tổ chức của các nước, tăng cường sử dụng mạng lưới đối tác để tiếp cận các thị trường khác nhau với các mục tiêu cụ thể.
Trên thực tế, thời gian qua, doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đã có nhiều hoạt động hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt nhất là mặt hàng nông sản đến những thị trường cao cấp. Chẳng hạn như năm nay, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp nhưng đây là lần đầu tiên quả vải tươi Việt Nam đã được nhập khẩu vào EU thông qua hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp Việt kiều. Đây chỉ là một trong số những hoạt động mà cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều giới thiệu nông sản Việt tới thị trường thế giới. Nhờ những nỗ lực này, quả vải Việt Nam đã có mặt ở hang loạt quốc gia như: Pháp, Bỉ, Australia... với sự hỗ trợ của Việt kiều. Cũng trong năm nay tại Australia, các hoạt động quảng bá gạo Việt Nam cũng diễn ra sôi nổi ở những thành phố lớn.
Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội doanh nghiệp người Việt ở Châu Âu cho biết thêm, cộng đồng người Việt tại nước ngoài hiện có cơ sở vật chất rất tốt để phát triển kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước. Hơn nữa, sinh sống ở nước ngoài nhiều năm, mỗi người Việt đều có sự hiểu biết nhất định về phong tục, tập quán, thị hiếu và thị trường tiêu thụ của người dân Châu Âu. Vì vậy, phần lớn doanh nghiệp Việt kiều sẵn sàng làm đại lý và đại diện cho hàng hóa Việt Nam tại Châu Âu.
Trong cuộc toạ đàm “Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước ngoài” ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương mong muốn mạng lưới doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan trong nước tiếp tục tăng cường hợp tác trong tương lai. Đồng thời, ông kêu gọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước ủng hộ chương trình “Thương hiệu quốc gia”, để mỗi cá nhân là một đại diện quảng bá thương hiệu Việt Nam tới bạn bè quốc tế. “Cục Xúc tiến Thương mại sẵn sàng hỗ trợ, kết nối các thương hiệu Việt Nam với đơn vị nhập khẩu sở tại và cung cấp thông tin, nhận định, đánh giá xu hướng của thị trường để thúc đẩy quá trình đưa các sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối ở nước ngoài”, ông Vũ Bá Phúc chia sẻ.
Với các hoạt động hợp tác sôi nổi diễn ra trong thời gian gần đây, triển vọng một xung lực mới qua kênh kiều bào, đây là nguồn lực đưa hàng Việt ra thế giới là hết sức rõ nét.
Theo thống kê của Uỷ ban về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) hiện có khoảng 3.500 doanh nghiệp kiều bào Việt Nam đang hoạt động tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các doanh nghiệp tập trung ở những thị trường quan trọng hàng đầu thế giới như: Bắc Mỹ, châu Âu… Đây là nguồn lực quan trọng giúp quảng bá và đưa hàng hóa Việt Nam đến nước sở tại.