Cây chè (trà) vốn là thế mạnh của người Lâm Đồng. Cùng với diện tích trồng hoa, rau xanh thì diện tích trồng chè rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua việc xuất khẩu chè đen của Lâm Đồng cũng gặp phải vấn đề cần sớm giải quyết.
Phát triển diện tích trồng chè ở Bảo Lâm (Lâm Đồng)
Đến nay, Lâm Đồng còn 3.620 tấn chè đen tồn kho, trong đó có 36 tấn không xuất khẩu được do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức theo quy định của nơi nhập. Vì thế, việc tập trung giải quyết vấn đề dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật được Lâm Đồng tập trung giải quyết.
Lâm Đồng hiện có 22.030ha chè các loại. Sản lượng chè búp tươi hàng năm hơn 223.000 tấn, tương đương với 30% tổng sản lượng chè của cả nước. Cây chè tập trung ở 10 xã, thị trấn huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc. 43 xã, thị trấn thuộc các huyện Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt cũng có diện tích chè nhất định.
Do lợi thế thổ nhưỡng, cây chè Lâm Đồng tươi tốt quanh năm. Tuy nhiên, cây chè cũng thường bị bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, nhện đỏ, rầy xanh tấn công, làm thối búp, phồng lá, chấm xám... Từ đó, người trồng chè phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Số hộ có chè tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật là do mua và dùng các loại thuốc có độ độc cao, như hoạt chất Fipronil, Hecxaconazole, Carbendazim...
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, sẽ tiến hành khẩn trương, mạnh mẽ các cuộc kiểm tra, không để tồn tại các đại lý nhận phân phối thuốc có hoạt chất Fipronil. Đây là gốc rễ của vấn đề. Khi các đại lý đã tuân thủ, thì sẽ không có các loại thuốc bảo vệ thực vật có khả năng gây hại xuất hiện trên thị trường, cây chè sẽ được phát triển tự nhiên, đảm bảo chất lượng sạch. Cần kiểm tra việc thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc và đúng cách. Để sản phẩm chè Lâm Đồng đạt chất lượng cao, giảm thiểu thấp nhất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, gồm: Khuyến cáo dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật có độ độc thấp để thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cao; tổ chức hội thảo giới thiệu, hướng dẫn nông dân vùng chè sử dụng các loại thuốc sinh học với thời gian cách ly ngắn; tăng cường quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chè; xây dựng các mô hình điểm ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chăm sóc chè; cơ giới hóa trong canh tác chè; hoàn thiện quy trình sản xuất chè búp tươi.
Đó là chuyện cây chè, hiện ở Lâm Đồng còn có chuyện thuần hóa giống gà quý: gà Đông Tảo. Đó là việc hộ dân thôn 3, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà đã nuôi giống gà đặc hữu, quý hiếm này.
Gà Đông Tảo là đặc hữu của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Giá trị kinh tế của nó rất cao, tuy rằng việc chọn đúng giống thuần chủng cũng như đầu tư con giống, thức ăn, chăm sóc bệnh tật cho nó cũng khá khó nếu so với những giống gà thường. Một con gà giống 1 tháng tuổi đã có giá trên dưới 300.000 đồng.
Gà được nuôi nhốt trong lồng lưới sắt nhỏ, kê cách mặt đất 30 - 40cm, trên mặt nền chuồng rải đều một lớp trấu. Gà con hàng ngày ăn các loại thức ăn bổ sung các lượng vitamin; được ủ điện (thắp bóng đèn điện) từ chiều tối đến sáng sớm hôm sau để giữ nhiệt độ ấm.
Sau đó, khi con gà đã mạnh khỏe (kể từ tháng thứ hai) thì ban ngày có thể thả trong vườn, đến chiều tối thì nhốt lại. Người nuôi gà cần chú ý đến việc bơm thuốc khử trùng, tiêm phòng dịch bệnh cho gà hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng.
Tuy chăn nuôi chưa nhiều, nhưng thế hệ thứ 2, thứ 3 của giống gà quý hiếm này đã nối tiếp nhau ra đời, báo hiệu sự thành công mới của người dân trên đất Lâm Đồng.