Nếu đầu năm 2018, huyện Kbang (Gia Lai) có khoảng 2.700 hộ nghèo, đa số là người dân tộc Bahnar thì cuối năm 2018, toàn huyện giảm hơn 900 hộ nghèo, trong đó hộ dân tộc thiểu số giảm gần 100 hộ. Có được kết quả đó là nhờ chính quyền địa phương đã làm thay đổi tư duy sản xuất cũng như nếp nghĩ, cách làm của người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Cánh đồng mía mẫu lớn của người dân làng Bông (xã Chư A Thai, huyện Kbang, Gia Lai).
Trước đây vì trồng trọt theo phương thức cũ, manh mún, nhỏ lẻ nên sản lượng cây mía trên địa bàn không cao. Điển hình như tại xã Krông Pla, nơi có diện tích trồng mía lớn nhưng vì năng suất không cao nên đời sống của bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn.
Theo ông Trần Văn Sơn-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Pla (huyện Kbang) mía là cây trồng chủ lực của xã nhưng năng suất và sản lượng thấp, hiệu quả trên một đơn vị diện tích không cao. Nguyên nhân là do người dân trồng thủ công, cày đất chưa đúng quy trình kỹ thuật, trình độ canh tác còn nhiều hạn chế…Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trong huyện Kbang.
Phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho các loại cây trồng góp phần đảm bảo đời sống cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn là giải pháp được chính quyền các cấp trong huyện chú trọng. Và thông qua mô hình làm cánh đồng mía mẫu lớn, đồng bào dân tộc Bahnar từng bước chuyển mình trong tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất khép kín, dồn đất để thực hiện cơ giới hóa theo mô hình cánh đồng mía mẫu lớn.
Tại nhiều xã, khi tham gia mô hình cánh đồng lớn, mía được chăm sóc bằng máy nên giảm được nhiều công lao động, người dân tiết kiệm được chi phí sản xuất khoảng 10 triệu đồng/ha/vụ và được nhà máy bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ phân bã bùn, đầu tư không tính lãi. Niên vụ 2016-2017, xã Kông Pla đã vận động, hướng dẫn 10 hộ đồng bào Bahnar ở làng Lợt tham gia thực hiện cánh đồng mía lớn với diện tích 8,67 ha, năng suất bình quân đạt 110 tấn/ha. Lợi nhuận bình quân trên 1 ha mía tơ là 71 triệu đồng; ước lợi nhuận bình quân 1 ha mía gốc niên vụ 2017-2018 khoảng 76,7 triệu đồng, bà con nông dân ai cũng rất phấn khởi.
Không chỉ ở Kông Pla, thực tế những cánh đồng mẫu lớn đã cho hiệu quả kinh tế vượt trội tại nhiều địa phương trong huyện những năm gần đây. Ngoài giá trị kinh tế cao hơn sơ với phương thức canh tác cũ, nhờ cơ giới hóa mà những cánh đồng mẫu lớn còn tránh được hạn hán trong mùa khô. Điển hình như cánh đồng mía lớn của bà con người Bahnar làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng. Hơn 20 hộ dân trong làng cùng nhau góp khoảng 50ha đất để làm cánh đồng mía mẫu lớn. Sau 2 năm triển khai cho hiệu quả rõ rệt.
Đầu năm 2018, huyện Kbang có khoảng 2.700 hộ nghèo, đa số là người dân tộc Bahnar. Cuối năm 2018, toàn huyện giảm hơn 900 hộ nghèo, trong đó hộ dân tộc thiểu số giảm gần 100 hộ. Có được kết quả này không thể không kể đến vai trò của doanh nghiệp đã cùng đồng hành với bà con nông dân.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó giám đốc Nhà máy đường An Khê: Nhà máy và nhiều đơn vị chức năng đã vận động, thuyết phục đồng bào dân tộc Bahnar làm cánh đồng mía lớn để có thu nhập cao hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cũng tích cực phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể của địa phương triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách để giúp đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
* Thực tế những cánh đồng mía mẫu lớn đã cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Ngoài giá trị kinh tế cao hơn sơ với phương thức canh tác cũ, nhờ cơ giới hóa những cánh đồng mẫu lớn còn tránh được hạn hán trong mùa khô. Đây đang là một hướng làm kinh tế giúp bà con thoát nghèo.