Giá ớt xuất khẩu đã giảm một cách chóng mặt từ 50 ngàn đồng/kg xuống chỉ còn 5 ngàn đồng/kg vào thời điểm này. Sau dưa hấu được mùa mất giá, giờ lại đến ớt cay xé lòng người trồng cũng bởi vì đại hạ giá.
Một góc cánh đồng ớt ở xã Tịnh Giang nhưng rất ít người hái bán.
Ớt giảm giá, người trồng lao đao
Thời gian này, người dân trồng ớt ở Quảng Ngãi, Quảng Nam đứng ngồi không yên, vì những cánh đồng ớt đã chín đến kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái đến hỏi mua, nếu có thì giá lại thấp.
Sáng ngày 5/4, chúng tôi có mặt ở những cánh đồng ớt ở tại xã Tịnh Giang, Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Nét mặt buồn thiu và đầy lo lắng, ông Nguyễn Ngọc Thương, trú thôn Đông Hòa, xã Tịnh Giang cho biết: “Gia đình tôi trồng khoảng 4 sào ớt đang đến thời kì thu hoạch, ớt đã chín rộ nhưng giá giảm có 8 nghìn đồng/1kg ớt, khiến tôi nản không muốn đi hái ớt. Với gía như vậy gia đình bỏ công đi hái may mô mới hòa vốn, còn thuê nhân công hái thì chắc chắn bị lỗ nặng. Để trồng 4 sào ớt này, tôi phải bỏ ra chục triệu đồng mua cây giống ớt và phân bón chăm sóc, chưa tính công sức bỏ ra làm luống, làm cỏ, mà chừ như ri có chết không hả chú!”.
Tạm biệt xã Tịnh Giang chúng tối đến xã Tịnh Trà, ớt của bà con nông dân cũng đang đến thời chín rộ, nhưng thương lái vắng teo.
Người dân xã Tịnh Giang lo lắng hái bán ớt giá quá thấp.
Gặp ông Võ Văn Nam, trú xã Tịnh Trà ngay trên ruộng ớt của mình, ông Nam cho biết: “Gia đình tôi đã bỏ tiền đầu tư 3 sào ớt, giống ớt Thái Lan, đến thời điểm này các chú thấy đó, ớt trái đã chín đầy ruộng mà vẫn chưa thể thu hoạch, vì giá quá thấp”. Theo ông Nam, thời tiết năm nay khá bất lợi, ông phải xuống ớt nhiều lần mới thành công. Cũng chính vì thế mà chi phí canh tác cũng có phần tăng cao hơn so với mọi năm trước. “Chừ giá ớt hạ rất thấp chỉ có 8.000 đồng/1kg ớt, khiến cho tôi và mọi người trồng ớt lao đao quá”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tại huyện Sơn Tịnh, có diện tích khoảng hơn 50 ha, tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có diện tích trồng ớt lớn của tỉnh, nhưng cũng vắng bóng người thu hái ớt cho dù đang vào thời kì thu hoạch.
Ông Nam đang đứng ở đám ớt chín của gia đình.
Đổ xô đi trồng ớt xuất khẩu(?)
Trong khi đó tại Quảng Nam, hàng trăm hộ dân trồng ớt xuất khẩu ở huyện Duy Xuyên cũng đang sống khổ sống sở. Bà con nơi đây trồng ớt xuất khẩu nhưng vào mùa thu hoạch nhưng các thương lái không chịu thu mua ớt xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Mánh, trú thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu buồn rầu cho biết: “Gia đình tôi trồng đến 5 sào ớt, tất cả đã vào vụ thu hoạch hơn nửa tháng nay, nhưng thương lái vẫn không chịu tới thu mua vì cho rằng ớt không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu”. Theo bà Mánh, năm ngoái, thương lái đến hỏi mua rất đông, với giá bán cao nhưng không có ớt để bán, còn năm nay ớt chín đầy ruộng mà thương lái lại chê ớt không đạt.
Bà Nguyễn Thị Mánh đang đưa những trái ớt xuất khẩu mà thương lái chê không mua.
Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Thập, trú thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu cho biết: “Gia đình tôi có 3 sào ớt đang vào độ thu hoạch mà chẳn thấy ai hỏi mua nên đành để ớt chín ngoài đồng. Mong trồng ớt xuất khẩu để có thu nhập thay đổi cuộc sống gia đình, hay đâu giờ như thế này”.
Nhiều người dân trồng ớt xuất khẩu cho hay, từ đầu năm tới nay, giá ớt xuất khẩu đã giảm một cách chóng mặt từ 50 ngàn đồng/kg xuống 9 ngàn đồng/kg vào giữa tháng 3 vừa qua, đến đầu tháng 4, giá ớt chín đã đại hạ giá chỉ còn 5 ngàn đồng/kg. Ớt rớt giá, không bán được quả thật là nỗi lo lớn của người nông dân.
Bà Nguyễn Thị Thập đang lo lắng đám ớt của gia đình bán không có ai mua.
Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Duy Xuyên cho biết: “Hơn 100 ha ớt vào vụ thu hoạch từ đầu năm 2017, trên địa bàn xã Duy Châu đang rớt giá liên tục nhưng vẫn chưa thấy thương lái đến thu mua là có thật. Nguyên nhân, một phần do người dân thấy giá ớt năm ngoái cao đã đổ xô mở rộng diện tích trồng ớt. Đến khi vào vụ thu hoạch, thương lái không chịu mua vì cho rằng ớt không đạt yêu cầu thì người dân mới đành chịu”. Ông Năm cho hay, Phòng NN&PTNT đang kêu gọi các đơn vị, công ty tư nhân tiến hành thu mua toàn bộ số lượng ớt đã vào vụ thu hoạch để người dân có thể thu hồi vốn.