Mùa hè lại càng trở nên nóng hơn khi ở Hà Nội, để chuẩn bị cho một dự án mở rộng đường, người ta đã lên kế hoạch di dời, chặt hạ hàng ngàn cây xanh, trong đó có những cây xà cừ cổ thụ. Bên cạnh đó là chuyện cháy rừng xảy ra ở một số nơi khiến vấn đề bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng để giữ gìn môi trường sống lại được đặt ra một cách nghiêm túc.
Hàng cây đường Phạm Văn Đồng đứng trước nguy cơ bị chặt bỏ, di dời.
Mùa hè năm nay ở nhiều nơi nắng nóng bất thường khiến cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Thậm chí, một số tỉnh phía Bắc đã xảy ra trận nắng nóng hiếm gặp trong vòng gần nửa thế kỷ qua. Mùa hè lại càng trở nên nóng hơn khi ở Hà Nội, để chuẩn bị cho một dự án mở rộng đường, người ta đã lên kế hoạch di dời, chặt hạ hàng ngàn cây xanh, trong đó có những cây xà cừ cổ thụ. Bên cạnh đó là chuyện cháy rừng xảy ra ở một số nơi khiến vấn đề bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng để giữ gìn môi trường sống lại được đặt ra một cách nghiêm túc.
“Nóng” chuyện chặt hạ, di chuyển cây xanh
Xin được bắt đầu với câu chuyện cây xanh ở Hà Nội. Khoảng 4.000 cây xà cừ cổ thụ trong các tuyến phố của Hà Nội sẽ bị chặt hạ, di dời, và thay thế bằng những cây trồng “thích hợp”. Bên cạnh đó là hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng đang được xem xét, tính toán việc chặt hạ, di dời để phục vụ cho dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 kéo dài từ cầu vượt Mai Dịch tới cầu Thăng Long.
Dự án này do Ban quản lý (BQL) đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) làm chủ đầu tư. Theo đó, trong số khoảng hơn 1.300 cây xanh có 986 cây xà cừ, 38 cây sấu, 65 cây hoa sữa, 11 cây phượng. Dự kiến đơn vị thi công sẽ di chuyển 158 cây, giữ lại để cắt tỉa 142 cây và chặt hạ hơn 1.000 cây.
Chủ trương chặt hạ hay di chuyển số cây xanh nói trên do Sở Xây dựng và BQL đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội - đơn vị phụ trách dự án mở rộng đường vành đai 3 đề xuất. Ngay khi thông tin này được đưa ra, báo chí đã vào cuộc và chất vấn Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ngay bên hành lang kỳ họp Quốc hội sáng 5/6. Theo ông Hải, Dự án này không chỉ là đường bộ mà có đường trên cao như đường vành đai 3 nối đến tận cầu Thăng Long. Ai cũng muốn giữ hàng cây đó, nhưng chạy đường trên cao thì không giữ nổi.
Liên quan đến việc Sở Xây dựng Hà Nội đang lấy ý kiến thay thế 4.000 cây xà cừ, mà đa số đều là các cây lưu niên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng: “Cây trồng rồi, to đùng thì cứ để đấy cần gì phải thay. Trừ khi các dự án đầu tư phát triển không làm cách gì tránh được thì phải di dời, chứ giờ giữ được một cái cây là quý lắm, cả trăm năm mới được như thế”.
Câu chuyện về chặt hạ, di dời, thay thế hơn 5.300 cây xanh xảy ra đúng vào dịp Hà Nội và một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc đang hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục khiến cho dư luận các bức xúc hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch đô thị cần phải tính toán đến cây xanh. Không dễ để có được những dãy cây tỏa bóng râm xuống đường phố, vậy mà những hàng cây lưu niên, cổ thụ đang xanh mát lại bị chặt hạ, di dời. Đó thật sự là lãng phí.
Trong khi đó, mật độ cây xanh của Thủ đô vẫn bị cho là thấp, chưa tương xứng với một Thủ đô xanh. Kế đó, những hàng cây mới được trồng gần đây chưa thể đáp ứng được việc phủ xanh đường phố, đó là chưa kể khá nhiều cây vừa trồng đã chết khô. Nhiều người cũng băn khoăn, rất khó để hình dung được về cây xanh của Hà Nội trong khoảng vài ba chục năm nữa.
Bởi việc trồng mới cây xanh ở Hà Nội như vừa qua (trồng trên nền đất tạm, trồng vào giữa dải phân cách…) thì chưa chắc các loài cây này sẽ chịu đựng được mưa bão, vì thế thời gian tới, chuyện gãy đổ, bật gốc hoàn toàn có thể xảy ra…
Lực lượng chữa cháy nỗ lực dập tắt cháy rừng.
Hàng chục ha rừng bốc cháy
Mùa hè năm nay, câu chuyện cháy rừng cũng khiến dư luận quan tâm. Ước tính khoảng 50 ha rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội) đã bị thiệt hại. Vụ cháy kéo dài trong 12h đồng hồ. Theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội, đây là vụ cháy rừng lớn nhất, lâu nhất trong lịch sử Thủ đô.
Gần 2.000 cán bộ chiến sĩ kết hợp với các lực lượng chuyên môn, nhân dân… đã được huy động để dập tắt vụ cháy rừng này. “Lửa bắt lên từ khu vực xóm 6 (xã Nam Sơn), sau đó lan sang cánh rừng của xóm Hoa Sơn. Toàn bộ quả núi được phủ xanh bởi keo, bạch đàn, thông… nằm phía sau đền Gióng. Do đặc điểm rừng phòng hộ ở Sóc Sơn trồng trên địa hình núi cao, đồi dốc… nên công tác cứu hộ cực kỳ khó khăn, khiến đám cháy kéo dài và lan rộng”- ông Mỹ nói.
Bên cạnh lý do nắng nóng kỷ lục, một lý do khác khiến đám cháy lây lan nhanh, đó là lửa nổi lên ở nhiều điểm, lan cục bộ sau đó chạy thành vệt, ôm lấy cả khoảnh rừng hàng chục ha. Vụ cháy đến khoảng 3h chiều 5/6 mới được dập tắt hoàn toàn. Về việc Lâm trường trong quá trình trồng rừng đã tạo một vàng đai có chiều rộng 10 m để cách chia các vệt đồi, tránh lửa lây lan khi có hỏa hoạn, tuy nhiên đám cháy vẫn vượt qua vành đai này, ông Mỹ lý giải, do gió đánh tạt lửa, bén lên những tán cây đã khép tán với nhau.
“Chúng tôi sẽ kiến nghị mở rộng thêm vành đai ngăn đám cháy lên 20m thay vì 10m như trước đây”- ông Chu Phú Mỹ cho biết và nhấn mạnh: “Đây là bài học lớn trong công tác phòng chống cháy rừng. Qua đây, chúng tôi sẽ kiến nghị để tăng cường công tác tập huấn, lên phương án chống cháy, đầu tư các phương tiện, vật dụng chuyên dụng để phòng cháy chữa cháy. Đồng thời sẽ tuyên truyền người dân tham gia giữ, bảo vệ rừng, nâng cao tinh thần cảnh giác đối phó với cháy rừng nhiều hơn nữa”.
Cũng thời điển đầu tháng 6 năm nay còn xảy ra vụ cháy rừng tại huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Theo đó, khoảng 9h ngày 3/6, một vụ cháy rừng đã xảy ra tại khu vực núi Ngang, thôn Trại Mái, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngọn lửa lớn lại bùng phát trong điều kiện nắng nóng khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ngọn lửa nhanh chóng lan ra trên diện rộng và đã làm cho 15 ha rừng với cây trồng chủ yếu là bạch đàn nơi đây bị thiêu rụi.
Ngay khi phát hiện đám cháy, huyện Tam Đảo cùng các lực lượng chức năng trong tỉnh đã nhanh chóng huy động lực lượng chữa cháy ở cơ sở và nhân dân trên địa bàn... Do địa bàn đồi dốc, nắng nóng, ngọn lửa lan rộng, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Đến 16h cùng ngày, vụ cháy cơ bản được dập tắt.
Vụ cháy này chưa tìm ra nguyên nhân thì vào đầu giờ chiều ngày 5/6, tại khu vực xã Hoàng Nông, La Bằng và Quân Chu của huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cũng lại xảy ra cháy rừng. Ước tính sơ bộ ban đầu, diện tích rừng bị cháy khoảng 13 héc-ta, là rừng phòng hộ thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tam Đảo quản lý và đang trong giai đoạn rà soát để bàn giao cho tỉnh Thái Nguyên.
Hàng trăm người bao gồm lực lượng công an, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, kiểm lâm của tỉnh và của huyện Đại Từ đã được huy động để ứng cứu. Tính đến 18h, đám cháy tại xóm Tiến Thành, xã La Bằng đã tạm thời được khống chế, riêng khu vực xóm Toàn Thắng, xã Hoàng Nông vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn.
Cũng tại huyện Đại Từ, vào khoảng 14h cùng ngày, cánh rừng thuộc khu vực xóm Chiềng, xã Quân Chu cũng xảy ra cháy…
Từ chuyện chặt hạ, di dời hơn 5.300 cây xanh đến việc liên tiếp xảy ra những vụ cháy rừng khiến hơn 70 ha rừng bị thiêu rụi cho chúng ta thấy thiên nhiên, môi trường đang bị đe dọa. Những lá phổi xanh điều hòa không khí, giúp con người có chất lượng sống tốt hơn đang bị tác động.
Do vậy, để giữ gìn màu xanh của cây, của rừng, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành. Cũng rất cần có sự quy hoạch, nghiên cứu về cây xanh và bảo vệ những “di sản cây” đã được các thế hệ đi trước trồng trong đô thị. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng. Có như vậy, màu xanh của cây mới giúp cho con người dịu đi khi thời tiết ngày càng trở nên khó lường hơn.