Cùng với sự phát triển lớn mạnh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tổ chức công đoàn cũng không ngừng được phát triển, khẳng định vị trí vai trò của tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) tại các cấp đơn vị trong Tập đoàn.
Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực
Năm 2017, hoạt động Dầu khí được dự báo sẽ tiếp tục có những thách thức, nhưng cũng có những cơ hội phát triển mới, chính sách, pháp luật Nhà nước có nhiều thay đổi, từ đó sẽ có nhiều tác động ảnh hưởng đến mọi hoạt động của Tập đoàn và đời sống, việc làm, tâm tư của NLĐ.
Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) cùng các cấp công đoàn trong Tập đoàn sẽ tiếp tục bám sát các nghị quyết, chương trình hành động của Đảng ủy Tập đoàn, mục tiêu chiến lược, định hướng phát triển của Tập đoàn, nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị để xây dựng nội dung chương trình hoạt động sát với thực tiễn. Trong đó có một số nội dung trọng tâm sau:
Người lao động PV GAS Cà Mau.
CĐ DKVN cùng với các cấp công đoàn trong Tập đoàn tổ chức phát động thi đua, động viên đội ngũ đoàn viên, NLĐ tích cực hưởng ứng, duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước tại từng đơn vị, đồng thời tập trung và cụ thể hóa qua các phong trào thi đua.
Đó là các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thi đua “Về đích trước các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ, các công trình/dự án trọng điểm”, phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào thi đua tiết kiệm chống lãng phí, nâng cao năng suất lao động nhằm góp phần giữ vững sự ổn định phát triển của Tập đoàn và của từng đơn vị thành viên...
Từ các phong trào thi đua đã thể hiện quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2017 của tập thể NLĐ ngành Dầu khí. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trên các công trình/dự án trọng điểm, kịp thời khen thưởng, tuyên dương nhân rộng các tập thể và cá nhân điển hình tiêu biểu xuất sắc tại các đơn vị, công trình/dự án. Chủ động và tích cực tham gia xây dựng, giám sát thực hiện các cơ chế chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ.
CĐ DKVN và các cấp công đoàn trong Tập đoàn tiếp tục chủ động, thường xuyên bám sát tình hình hoạt động SXKD của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, diễn biến tâm tư nguyện vọng của NLĐ, để kịp thời đóng góp ý kiến, tìm các giải pháp thực hiện thắng lợi kế hoạch SXKD; tham gia tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của NLĐ.
Trong đó tham gia xây dựng hoàn thiện hệ thống thang, bảng lương mới, quy chế tuyển dụng, đào tạo, chính sách nhân viên, nội quy lao động theo quy định; Tham gia tích cực trong việc định biên lao động, duy trì ổn định việc làm, bố trí sắp xếp lao động và đề nghị giải quyết chế độ chính sách đối với NLĐ thuộc diện được hưởng các chế độ theo quy định; Không ngừng tham gia ý kiến nhằm cải thiện điều kiện môi trường làm việc của NLĐ, quan tâm đặc biệt đến NLĐ làm việc ở các dự án nước ngoài, trên các công trình biển, giàn khoan, tàu dịch vụ và các dự án trọng điểm; Kịp thời đề xuất hỗ trợ, động viên NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ hoạt động công đoàn tại các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, có ý kiến với những doanh nghiệp còn chậm trả lương, BHXH, BHYT, để cùng có những đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho NLĐ
Các cấp công đoàn tiếp tục chủ động và tích cực tham gia với chuyên môn cùng cấp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức hội nghị NLĐ, thực hiện đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất tại nơi làm việc theo Nghị định 60/NĐ của Chính phủ đảm bảo thiết thực, bám sát nội dung quy định của Nhà nước và pháp luật; Tiếp tục hoàn thiện nội dung quy chế tổ chức đối thoại, quy chế tổ chức hội nghị NLĐ làm cơ sở để công đoàn tham gia thực hiện có hiệu quả công tác này, đồng thời định kỳ tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện.
Tiếp tục phối hợp rà soát đề nghị bổ sung các chức danh nghề công việc nặng nhọc, độc hại, chế độ phụ cấp… thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mái ấm Công đoàn Dầu khí Việt Nam”, “Nghĩa tình Dầu khí”, “Mái ấm tình thương” nhằm quan tâm chăm lo, hỗ trợ cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Công đoàn cơ sở không ngừng nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), tích cực tham gia ý kiến xây dựng pháp luật và tư vấn pháp luật cho NLĐ.
Cơ sở công đoàn cần chú trọng công tác hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo kỹ năng nâng cao năng lực cán bộ công đoàn các cấp, trong đó hoàn thiện hệ thống thư viện TƯLĐTT, tổ chức đánh giá, xếp loại chất lượng thương lượng tập thể, ký kết và tổ chức thực hiện TƯLĐTT để từ đó đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả.
Các tổ chức công đoàn tiếp nhận thông tin, tư vấn pháp luật cho NLĐ bằng nhiều hình thức; Xây dựng đổi mới phát triển hoạt động tư vấn pháp luật ở từng cấp và tại công đoàn cơ sở; Kịp thời cập nhật thông tin về các văn bản pháp luật mới ban hành, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật cho NLĐ; Hướng dẫn các biện pháp hoạt động tư vấn pháp luật để nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của NLĐ và người sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.
Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho NLĐ trong quan hệ lao động và trong hoạt động công đoàn. Xây dựng các bộ câu hỏi, tình huống pháp luật định kỳ đăng tải trên website và tờ thông tin CĐ DKVN để NLĐ được cập nhật thường xuyên, tìm hiểu về pháp luật lao động và công đoàn; Xây dựng các tình huống pháp luật trong hoạt động thực tiễn trong quan hệ lao động.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng Tư vấn pháp luật CĐ DKVN, tổ tư vấn pháp luật và đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật tại các cấp công đoàn trong Tập đoàn. Thực hiện quyền và trách nhiệm của công đoàn trong tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công, tham gia tố tụng giải quyết các vụ tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp theo Kế hoạch số 71/KH-TLĐ ngày 16/12/2014 của Tổng LĐLĐ VN, xử lý và giải quyết kịp thời các kiến nghị của NLĐ. Công tác bảo hộ lao động luôn cần được các cấp công đoàn trong toàn ngành coi trọng thực hiện.
Tiếp tục tuyên truyền và triển khai thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) nhằm nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền của người sử dụng lao động, NLĐ và công đoàn cơ sở trong công tác AT-VSLĐ. Các cấp công đoàn chủ động phối hợp với chuyên môn tổ chức các hoạt động và nội dung tuyên truyền về công tác AT-VSLĐ; tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất về AT-VSLĐ-PCCN tại các đơn vị; đề xuất các kiến nghị, biện pháp AT-VSLĐ-PCCN, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, thực hiện các chính sách về AT-VSLĐ để nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ lao động.
Theo dõi thường xuyên và báo cáo kịp thời về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị, đặc biệt tại các công trình/dự án trọng điểm; phối hợp tổ chức và quản lý có hiệu quả hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong toàn ngành nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện AT-VSLĐ-PCCN; hưởng ứng và thực hiện Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ với các hoạt động thiết thực theo chuyên đề của năm. Tiếp tục đề xuất hoàn thiện và thực hiện chính sách bảo hộ lao động tại các đơn vị, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ.