Chậm bố trí nguồn lực ảnh hưởng lớn đến người hưởng chính sách

H.Vũ (thực hiện) 13/11/2023 07:00

Bà Nguyễn Thị Sửu - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng chậm bố trí nguồn lực ảnh hưởng lớn đến người được hưởng chính sách 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Sửu. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Thưa bà, Quốc hội đã tiến hành giám sát giữa kỳ 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Bà đánh giá như thế nào về việc thực hiện 3 chương trình này trong thời gian qua?

Bà Nguyễn Thị Sửu: 3 chương trình mục tiêu quốc gia về: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được ban hành đồng thời về phân bổ nguồn vốn, tài chính.

Theo tôi, 3 chương trình này đã thể hiện chủ trương chính sách lớn, nhân văn, nhân đạo, thể hiện trách nhiệm toàn diện của Đảng đối với người dân. Mà đối tượng trực tiếp được hưởng lợi đó là người nghèo, người cận nghèo, người có điều kiện hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Đất nước đang trong quá trình đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì con người cũng phải hoà nhịp vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Người dân cần được quan tâm, chăm sóc tốt hơn về vật chất, tinh thần. Vì thế việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã chứng minh Đảng ta đã rất sâu sát, sâu sắc và toàn diện trong công tác lãnh đạo, nắm thực tiễn, cho chủ trương, quyết sách mang tầm vĩ mô.

Về mặt Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã nỗ lực để cụ thể hoá chủ trương của Đảng bằng những nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch để 3 chương trình hình thành và đi vào thực tiễn.

Từ việc ban hành 3 chương trình mục tiêu quốc gia, niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được nâng cao bởi chương trình có thực tiễn hoá, thực tế cao, sản phẩm đã đến được người dân. Đó là hạ tầng cơ sở, điện, đường trường, trạm ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đầu tư bài bản và quy mô. Chương trình đào tạo cho người lao động, đặc biệt đối tượng người nghèo, người khó khăn ở vùng nông thôn, miền núi đang rất cần kiến thức để tạo thu nhập cho bản thân, cho gia đình, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội. Việc được quan tâm đào tạo để có việc làm khiến họ cảm thấy tự tin, có thu nhập trong cuộc sống. Công tác đào tạo ngày càng bài bản, sát với thực tế, phù hợp với nhu cầu của người dân.

Dù có những điểm sáng song việc thực hiện 3 chương trình vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Theo bà nguyên nhân do khách quan hay chủ quan?

- Cái cần khắc phục chính là giải quyết các tình huống phát sinh từ các bộ ngành với địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Công tác giải quyết chậm, đâu đó chưa nhịp nhàng, tương thích. Chủ quan là việc phân bổ nguồn tài chính ngân sách quá chậm kéo theo triển khai các gói trong mỗi dự án chương trình bị chậm theo. Trong khi đó chương trình có nhiều dự án, trong dự án có các tiểu dự án. Việc chậm đương nhiên người dân không được hưởng lợi đúng với thời điểm họ được hưởng chính sách.

Chúng ta mới tính thực hiện chương trình chính sách theo thời gian, thời điểm hoàn thành giai đoạn. Nhưng chưa tính đến việc chậm trong bố trí ngân sách, chậm triển khai thực hiện. Như thế người dân sẽ bị thiệt thòi khi chương trình kết thúc. Cho nên nếu giải ngân chậm, triển khai có độ trễ 2 năm thì chúng ta phải tính thêm 2 năm nữa để họ hưởng đủ 5 năm của chương trình. Bởi trách nhiệm không thuộc về dân. Nếu cắt đột ngột thì người dân sẽ thiệt thòi và xã hội sẽ bất ổn. Nhất là những chính sách hưởng trực tiếp như: chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng. Nếu chậm được đào tạo, bồi dưỡng thì chắc chắn họ bị thiệt. Hay các chế độ hỗ trợ trực tiếp cho các người dân yếu thế như: gạo, dầu, chế độ thai sản.

Nói vậy để thấy rằng việc chậm bố trí nguồn lực ảnh hưởng rất lớn đến việc thụ hưởng của người được hưởng chính sách. Vì hết thời gian thực hiện chính sách thì họ sẽ bị thiệt, ảnh hưởng tới an sinh trong khi chúng ta đang cố gắng đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải tính toán kéo dài thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Quan điểm của bà?

- Cần cân đối, bố trí đủ ngân sách theo đúng các nghị quyết của Quốc hội để thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, cho phép kéo dài nguồn vốn được phân bổ năm 2023 chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến 31/12/2024.

Trong đầu tư phát triển không chỉ trễ về vốn sự nghiệp mà còn trễ cả về vốn đầu tư phát triển. Hiện cả 3 chương trình đều chưa bố trí hết, tỷ lệ giải ngân thấp, đầu tư phát triển chưa giải ngân hết cần có tính toán áp dụng chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số miền núi vì đầu tư vùng núi, vùng xa thì giá cao gấp 2, gấp 3 so với đầu tư cho đồng bằng, thành thị do khoảng cách địa lý, nguồn vật liệu đầu vào, và con người. Phải có tính toán thực sự cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Nếu áp dụng định mức như nhau và đánh giá chất lượng thực hiện các công việc như nhau thì không đúng. Phải xem xét nhìn nhận và đánh giá khách quan.

Có ý kiến cho rằng vẫn còn tình trạng ỷ lại, chưa muốn vươn lên. Theo bà làm sao để giải quyết vấn đề này?

- Đúng là có sự ỷ lại của một số ít người dân nằm trong diện được hưởng chính sách. Họ không muốn thoát nghèo mà muốn tiếp tục nhận chính sách nên có việc lười suy nghĩ, tự lực cánh sinh. Điều đó cũng tác động đến hiệu quả của chính sách. Cho nên đã hưởng thì phải đúng chính sách, đã hưởng phải có sự chuyển dịch về đời sống. Nghèo nhưng có chính sách hỗ trợ thoát nghèo, và trong hỗ trợ chúng ta cũng nên “chọn điểm” chứ không được tràn lan vì nguồn lực hạn chế. Khi đầu tư hỗ trợ cho hộ nào thì phải tính toán việc hỗ trợ phải hiệu quả, thiết thực cho hộ thoát nghèo. Nếu họ đủ sức lao động nhưng nghèo thì hỗ trợ bằng kỹ năng đào tạo nghề để họ có việc làm và thoát nghèo. Điều đó rất cần sự giám sát, hướng dẫn của MTTQ Việt Nam và chính quyền địa phương các cấp.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chậm bố trí nguồn lực ảnh hưởng lớn đến người hưởng chính sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO