Với các chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và nhiều chương trình, dự án được ưu tiên triển khai, thời gian qua, các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam đã hướng đến phát triển kinh tế vững bền cho người dân.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Quảng Nam có tổng diện tích tự nhiên 7.760,7km2, địa hình phức tạp, thường xuyên bị tác động, ảnh hưởng bởi thiên tai. Với xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 70 xã vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh còn khá cao, chiếm tới trên 23,3% (theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025). Trong đó, số hộ nghèo đồng bào DTTS của 70 xã chiếm tới 95,5%. Đây là những thách thức không nhỏ đặt ra cho chính quyền địa phương trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, phát triển bền vững cho vùng đồng bào DTTS&MN.
Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc, UBND tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành 8 Nghị quyết và 1 Chỉ thị để chỉ đạo; đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo và Văn phòng điều phối các cấp để tham mưu thực hiện các chương trình, dự án.
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2021-2022, được sự quan tâm của Trung ương, sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhiều chương trình, dự án được ưu tiên triển khai thực hiện trên địa bàn miền núi đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của khu vực này. Giai đoạn 2021-2023, ngoài nguồn vốn đầu tư xã hội, tỉnh Quảng Nam đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư công cho khu vực miền núi với tổng vốn đầu tư hơn 5.065 tỷ đồng, chiếm 33% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Trong đó, ngân sách tỉnh là 2.582 tỷ đồng, chiếm khoảng 51% tổng vốn đầu tư; vốn ngân sách Trung ương 2.333 tỷ đồng, chiếm 46% và vốn ODA 150 tỷ đồng, chiếm 3%.
Ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết: Ngoài Dự án Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, với vốn đăng ký 2.600 tỷ đồng, những năm qua, có nhiều dự án được đầu tư tại khu vực miền núi với vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng. Tiêu biểu như Dự án nhà máy sản xuất ván ghép thanh và viên nén năng lượng tại Hiệp Đức do Công ty TNHH MTV Hào Hưng Hiệp Đức đầu tư, vốn đăng ký 535,7 tỷ đồng…
Theo ông Ẩn, mặc dù địa hình miền núi phức tạp, nhưng bằng nhiều hình thức kêu gọi, xúc tiến theo hướng tiếp cận nhu cầu của nhà đầu tư, những năm qua, các địa phương miền núi đã từng bước thu hút được các doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, từng bước phát triển KT-XH và giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi đến năm 2025, với tổng kinh phí thực hiện các nội dung hỗ trợ trong giai đoạn 2019 - 2025 hơn 92 tỷ đồng. Bên cạnh đó ngân sách tỉnh đã cấp 21,3 tỷ đồng, hỗ trợ hạng mục đầu tư hạ tầng tại các điểm du lịch tại Đông Giang, Tiên Phước, Phước Sơn, Nam Trà My, Nông Sơn, Tây Giang và Bắc Trà My.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai, về phát triển du lịch, hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng lao động tại các huyện miền núi các kỹ năng thuộc lĩnh vực du lịch, ngoại ngữ, quản lý điều hành, phát triển du lịch cộng đồng cho hơn 200 người. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các nghệ nhân trực tiếp mở các lớp truyền nghề cho lao động nông thôn.
Đặc biệt, tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh xúc tiến dự án hỗ trợ đầu tư phát triển các làng nghề hiện có tại các địa phương như: Làng nghề dệt thổ cẩm tại huyện Đông Giang và Nam Giang; Làng nghề Dó Trầm tại huyện Nông Sơn, Tiên Phước; tổ chức xúc tiến quảng bá các điểm du lịch, sản phẩm du lịch trên các phương tiện truyền thông;…
Có thể nói, trong điều kiện còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, Quảng Nam vẫn nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN cũng như xúc tiến, kêu gọi các dự án đầu tư vào khu vực này. Các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể đều nỗ lực hướng đến mục tiêu thực hiện các chương trình, dự án ngày càng hiệu quả, đảm bảo phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế của địa phương.
Theo ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện việc quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành quy hoạch không gian phát triển KT-XH miền núi phù hợp với quy hoạch tỉnh, trong đó ưu tiên hoàn thiện các hợp phần quy hoạch thuộc lĩnh vực kinh tế trọng yếu của tỉnh như giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, sắp xếp dân cư, phân loại rừng, các hồ chứa, thuỷ điện, vùng dược liệu, gắn với phòng tránh giảm nhẹ thiên tai,... Đặc biệt, địa phương cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào khu vực miền núi, từ đó góp phần phát triển kinh tế vững bền cho người dân nơi đây.
Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nêu rõ “Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên phát huy vai trò nòng cốt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu sô nâng cao nhận thức, ý thức tự giác vươn lên trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; đặc biệt phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xóa bỏ tập tục lạc hậu; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp…