Chậm như… xe buýt nhanh

Phương Nguyên - Hậu Trần 10/03/2016 09:05

Được khởi động từ năm 2007, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2015, thế nhưng, đến nay xe buýt nhanh có tổng vốn đầu tư khoảng 55,33 triệu USD vẫn chưa thể lăn bánh bởi nhiều nguyên nhân.

Dự án XBN là một hợp phần nằm trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 10/5/2007, sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế Giới, do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Dự án này được coi là bước đi quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới đường giao thông đô thị, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng của TP Hà Nội.

XBN có tổng vốn đầu tư khoảng 55,33 triệu USD bao gồm chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng, mua sắm đoàn xe, xây dựng nhà chờ, các điểm đầu cuối, depot, trung tâm quản lý, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống vé, hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên và các hạng mục phụ trợ khác.

Chiều dài toàn tuyến là 14,7km từ Bến xe Kim Mã qua Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương kéo dài - trục phía bắc Hà Đông - Lê Trọng Tấn - Trần Phú - Ba La - Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Tần suất 3-5 phút/chuyến, mỗi chuyến chở được 90 hành khách, tốc độ di chuyển 20-22 km/giờ. Hành khách sử dụng dịch vụ phải mua vé từ, được tự động soát vé khi vào nhà chờ và lên xe.

Thế nhưng, đến nay dự án này vẫn bất động. Đáng chú ý, trong quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập. Việc bóc bỏ đường nhựa để thay đường bê tông đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận vì cho rằng làm như thế là rất lãng phí. Việc tuyến XBN đi trên một làn đường riêng, tách biệt với làn đường dành cho phương tiện hỗn hợp bằng một dải phân cách có gờ cao 20cm cũng là bất hợp lý, nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông cao. Trong khi đó, 21 nhà chờ đã được xây dựng xong rồi… để đó.

Về tiến độ thực hiện tuyến XBN nói riêng và dự án phát triển giao thông đô thị nói chung theo Sở GTVT Hà Nội là còn chậm, do những nguyên nhân: Quá trình thực hiện phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội sau khi hợp nhất năm 2008; Điều chỉnh hướng tuyến của tuyến cho phù hợp với dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; Quá trình triển khai thi công gặp rất nhiều khó khăn do mặt đường chật hẹp, mật độ, lưu lượng giao thông lớn, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông, thời gian thi công chủ yếu vào ban đêm…

Sở GTVT Hà Nội cũng cho hay, tại thời điểm này đã thi công xong trạm trung chuyển bến xe Kim Mã; trạm đầu cuối bến xe Yên Nghĩa; đã xây dựng xong 4 cầu vượt tiếp cận nhà chờ; xây dựng xong 21/21 nhà chờ; xây dựng xong khu depot trong bến xe Yên Nghĩa; lắp đặt xong thiết bị tại khu depot…

Một số hạng mục đang thi công: Cải tạo, mở rộng đường đoạn từ Ba La đến Bến xe Yên Nghĩa; xây dựng bổ sung 4 cầu đi bộ tại các nhà chờ; triển khai gói thầu mua sắm thiết bị thẻ vé; đoàn xe; tổ chức giao thông trên toàn tuyến và một số hạng mục phụ trợ khác. Dự kiến, các hạng mục còn lại sẽ hoàn thành và tiến hành chạy thử vào quý III-2016, Quý IV-2016 sẽ vận hành chính thức tuyến XBN.

Lộ trình là vậy, song dư luận cho rằng, với tiến độ “rùa” này thì chắc gì hết năm 2016 XBN Hà Nội đã lăn bánh được? Bên cạnh đó một mối lo ngại hiện hữu khác là việc chậm tiến độ sẽ làm “đội vốn” đầu tư dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chậm như… xe buýt nhanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO