Sức khỏe răng miệng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Sự khỏe mạnh của răng miệng có ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người dân chưa thực sự quan tâm tới việc phòng bệnh răng miệng và bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Người dân ít quan tâm tới sức khỏe răng miệng
Ghi nhận tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương cho thấy, đa phần người dân đến khám răng miệng khi thấy răng có vấn đề, cụ thể là sưng tấy, đau nhức do sâu răng, viêm lợi.
BS Lê Hoàng Long, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương chia sẻ: “Ở thời điểm dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp như hiện tại, trung bình 1 ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận hơn 200 lượt bệnh nhân - bằng một nửa so với cùng kỳ những năm chưa có dịch bệnh. Trong đó, hơn 60% bệnh nhân chỉ tới khám khi xuất hiện các triệu chứng như đau nhức, viêm lợi. Đáng lo ngại hơn, chỉ khoảng 10% bệnh nhân đi khám, kiểm tra răng miệng định kỳ”.
Bên cạnh đó, BS Long cũng nhận định: “Vẫn còn một tỷ lệ khá cao người dân không quan tâm đến sức khỏe răng miệng. Theo điều tra của Bộ Y tế, trên cả nước, 44% người đi khám răng miệng là do đau, 55% dân số không bao giờ đi khám”.
Thống kê của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương đã chỉ ra, có hơn 90% người dân hiện đang có bệnh về răng miệng; hơn 85% trẻ em 6-8 tuổi có sâu răng sữa, còn sâu răng vĩnh viễn gia tăng theo tuổi. Ở người cao tuổi và người trưởng thành, có hơn 80% người có sâu răng vĩnh viễn; hơn 60% trẻ em và hơn 80% người lớn có viêm lợi, viêm quanh lợi, viêm quanh răng; hơn 30% người trưởng thành trở lên có túi mủ bệnh lý quanh chân răng, làm cho răng lung lay và đây cũng là ổ nhiễm khuẩn lớn.
Ngoài ra, còn tỷ lệ rất cao (hơn 80%) thanh thiếu niên bị lệch lạc răng cần nắn chỉnh. Trong khi đó, tỷ lệ ung thư vùng miệng cũng thường gặp tại các cơ sở khám chữa bệnh về răng hàm mặt. Cùng với đó là mỗi năm có hàng ngàn trẻ bị khuyết tật hở môi vòm miệng được sinh ra.
Do ăn nhiều đồ ngọt và chăm sóc chưa đúng cách
GS.TS Trịnh Đình Hải, nguyên Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương phân tích, yếu tố nguy cơ cao nhất liên quan đến sâu răng là đường. Mức tiêu thụ đường ở quốc gia liên quan mật thiết đến sâu răng. Nếu đất nước nào dùng nhiều đường thì tỷ lệ sâu răng rất cao.
Ở Việt Nam, đến nay tiêu thụ hơn 20 kg đường/người/năm, tăng 1,5 lần với hơn 10 năm trước đây (năm 2000 tiêu thụ 13 kg/đường/người/năm). Điểm thứ hai là yếu tố vi lượng trong nước uống hàng ngày (chất flour), nếu thiếu thì sẽ không bảo vệ được men răng trước các yếu tố tấn công gây sâu răng. Khi ăn các nhóm glucid, thức ăn còn sót ở mặt răng hay kẽ chân răng sẽ chuyển hóa thành acid, nếu độ PH xuống dưới 5,5 là có thể hủy khoáng ở men răng, gây ra lỗ sâu. Nếu được cung cấp đủ flour sẽ làm men răng cứng, trơ trong môi trường acid, khi đó, chẳng may có đánh răng không sạch hay sót thức ăn thì cũng không có nguy cơ hủy khoáng để tạo thành lỗ sâu…
BS Lê Thị Yến, Khoa Răng miệng, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho hay: “Răng miệng là môi trường có nhiều vi khuẩn có lợi tham gia chức năng tiêu hóa. Tuy nhiên răng miệng cũng là nơi có các vi khuẩn có hại gây ra nhiều bệnh liên quan đến sức khỏe toàn thân. Khi không được chăm sóc răng miệng, các vi khuẩn sẽ tăng cường hoạt động dẫn đến các bệnh về răng miệng và một số bệnh khác. Một số nghiên cứu đưa ra có mối liên quan giữa bệnh nhân đái tháo đường, HIV/AIDS, bởi khi sức đề kháng trên những bệnh nhân này kém sẽ tạo điều kiện cho bệnh răng miệng phát triển”.
Theo chuyên gia y tế, dự phòng bệnh răng miệng đơn giản và tốt nhất vẫn là chăm sóc răng miệng tại nhà đều đặn và đúng cách. Ngay khi mọc xong hàm răng sữa, trẻ cần được bố mẹ hướng dẫn cách chải răng hàng ngày từ cách cầm bàn chải, đặt bàn chải vào mặt răng, di chuyển bàn chải trên mặt các răng.
Ngoài chải răng, dùng chỉ tơ nha khoa để làm sạch mảng bám ở kẽ răng nơi bàn chải chưa làm sạch. Cắt đoạn chỉ tơ dài 10-12 cm, quấn mỗi đầu vào ngón tay chỏ được giữ bằng ngón tay cái kéo căng một đầu phía lưỡi, một đầu phía ngoài đưa vào từng kẽ răng, kéo vào kéo ra làm sạch mặt bên và cổ răng của 2 răng tiếp giáp ở mỗi kẽ, sau đó chuyển sang kẽ tiếp theo. Làm sạch bằng chỉ tơ rất tốt cho phòng viêm lợi và sâu cổ răng. Các phương tiện làm sạch răng khác như tăm xỉa răng, bàn chải kẽ dùng cho người kẽ răng thưa.
Nên đi khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần để nha sĩ tư vấn và nếu phát hiện có tổn thương răng lợị cần được điều trị kịp thời.
Đối với nhiều người, chăm sóc răng miệng chỉ đơn giản là đánh răng 2 lần 1 ngày vào buổi sáng và tối, nếu có đau răng, viêm lợi thì mua vài viên thuốc ngoài hiệu thuốc uống vài ngày là khỏi. Đặc biệt hơn, nhiều phụ huynh có suy nghĩ, răng sữa của trẻ em dù sao thì cũng sẽ tự thay thế, nên sâu răng sữa thì không sao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, đó là những quan niệm hoàn toàn sai lầm, bởi sức khỏe răng miệng có mối quan hệ mật thiết tới sức khỏe toàn thân.